Giải bài toán thanh niên “hai không”
Kinhtedothi - Cả nước còn 1,35 triệu thanh niên từ 15 - 24 tuổi không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,4% tổng số thanh niên cả nước. Đây là một trong những con số vừa được Cục Thống kê công bố liên quan đến tình hình lao động việc làm quý I/2025. Dù chỉ mang tính tham khảo, nhưng cũng cho thấy rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết.
Tỷ lệ thanh niên “hai không” (không đi làm, không đi học) vẫn luôn là con số đáng chú ý mỗi kỳ công bố các số liệu thống kê liên quan đến việc làm và vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động. Điều đáng nói trong lần công bố con số thống kê này là con số thanh niên “hai không” giảm 66.900 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại tăng 84.400 người so với quý trước, với sự chênh lệch rõ rệt giữa khu vực thành thị (8,2%) và nông thôn (11,7%). Một điểm đáng chú ý nữa, đó là tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý I/2025 là 3,9%; đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15 - 34 tuổi (46,8%). Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
Có thể những con số này chỉ mang tính tham khảo, bởi phụ thuộc vào phương thức thống kê và thời điểm thống kê, nhưng nhìn vào thực tế xã hội, nhóm lao động trẻ, vốn được xem là năng động và sáng tạo nhất lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm, thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Bởi dù trong những năm qua, tỷ lệ thanh niên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tăng dần qua các năm, nhưng ngược lại số lao động chưa qua đào tạo, chưa có bằng cấp, chứng chỉ lại vẫn tồn tại không ít. Việc tư vấn hướng nghiệp đã được quan tâm, nhưng hiệu quả cũng chưa cao, nên nhiều người trẻ vẫn lúng túng, mơ hồ về ngành nghề trong tương lai; chưa kể đến tình trạng “thất nghiệp do không biết mình muốn gì, cần gì”, loay hoay trong các sự lựa chọn. Hơn nữa, với nhiều công việc có nhu cầu, nhưng lương thấp, điều kiện làm việc gò bó, cũng khiến thanh niên không mặn mà. Đặc biêt, không ít người trẻ, dù ở độ tuổi lao động chính, những vẫn sống thờ ơ hoặc phụ thuộc vào gia đình, hoặc mải miết với những thú vui riêng, sống ảo, rơi vào trạng thái trì trệ, không quan tâm đến việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp, không có việc làm ổn định…
Để giải bài toán thanh niên “hai không” nhiều giải pháp cũng đã được thực thi, từ việc hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, đến các định hướng về học tập, đào tạo giúp thanh niên trang bị những kỹ năng thiết thực như kỹ năng nghề, kỹ năng số và kỹ năng mềm để nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động… Nhưng vẫn cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ chính các trường học, địa phương trong tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp từ sớm, và xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh niên “hai không”, để các cơ quan chức năng có thể tiếp cận và phân loại hiệu quả, từ đó triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp.
Trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển nguồn lao động trẻ, chất lượng cao lại càng trở thành đòi hỏi cấp thiết. Trong khi đó, thanh niên là lực lượng lao động dồi dào, sáng tạo và năng động, góp phần quan trọng vào sự phát triển. Vì vậy, việc có nhiều hơn những chính sách để đưa thanh niên “hai không” gia nhập thị trường lao động là rất cần thiết, nhưng cùng với đó, còn cần tăng nhận thức cho chính lực lượng này, để có những cái nhìn và định hướng rõ hơn về tham gia vào việc chọn ngành, chọn nghề, nắm bắt cơ hội đào tạo, từ đó tối ưu hóa nguồn nhân lực và góp phần quan trọng vào việc cân bằng cung - cầu lao động, để nhìn vào những con số thống kê không còn đáng lo ngại.

Đà Nẵng: xử phạt thanh niên sử dụng flycam không phép
Kinhtedothi - Lực lượng chức năng phường An Hải Nam (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vừa xử lý một trường hợp sử dụng flycam trái phép tại khu vực chợ đêm Sơn Trà – một địa điểm thu hút đông đảo người dân và du khách.

Những kỹ năng giúp thanh niên có việc làm trong kỷ nguyên số
Kinhtedothi – Để có được việc làm trong kỷ nguyên số, thanh niên, lao động trẻ không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn mà còn cần kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, sự sáng tạo...

Đắk Nông: "săn mây" gây mất an ninh, trật tự, nhiều thanh niên bị xử lý
Kinhtedothi - Một nhóm thanh niên, độ tuổi từ 15 - 30 đến từ tỉnh Đắk Lắk và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rủ nhau tụ tập đến khu vực đồi thông "sống ảo" và có những có hành vi gây mất an ninh trật tự.