UBND TP tiếp tục phân cấp, ủy quyền khoảng 700 TTHC (đạt 37%). Thông tin này một lần nữa được chỉ rõ tại Quyết định số 4610/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND TP Hà Nội vừa được ban hành. Đây là bước tiếp theo để cụ thể hóa các mục tiêu về phân cấp, ủy quyền triệt để và gắn với trách nhiệm của cấp cơ sở trong việc giải quyết TTHC.
Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội vừa được triển khai đã bóc tách các nhiệm vụ, TTHC để phân cấp, ủy quyền một cách triệt để cho cấp huyện. Qua đó, thực hiện những bước đi quyết liệt, mạnh mẽ về phân cấp, ủy quyền, nhất là liên quan đến các TTHC.
Như những con số được đưa ra, TP tiếp tục phân cấp, ủy quyền khoảng 700 TTHC. Trong đó, ủy quyền 162 TTHC từ UBND TP về sở, 5 TTHC từ UBND TP về UBND cấp huyện, 3 TTHC từ Chủ tịch UBND TP về sở, 17 TTHC từ Chủ tịch UBND TP về Chủ tịch UBND huyện; 222 TTHC từ sở về trưởng phòng; 82 TTHC từ sở về UBND cấp huyện… Đây là những con số sinh động cho thấy nỗ lực phá vỡ những “điểm nghẽn”, tạo cơ hội kích hoạt, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân và DN.
Các yêu cầu, thời gian cụ thể để triển khai phương án phân cấp, ủy quyền cũng được TP chỉ rõ. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị theo chức năng, thẩm quyền chủ động tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành các quyết định ủy quyền thẩm quyền giải quyết TTHC; quyết định công bố TTHC, danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý; quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC, quy trình điện tử phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC…
Quan trọng hơn hết, các đơn vị cũng cần tiến hành rà soát bảo đảm điều kiện tiếp nhận ủy quyền; kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Hiện nhiều đơn vị tại Hà Nội đã có sáng kiến trong giải quyết TTHC để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, điển hình như các mô hình như "Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn", "Ngày thứ Sáu xanh"… Lần này, với những bước đi cụ thể, việc phân cấp, ủy quyền trong thực hiện hàng loạt TTHC chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN, giúp các chính sách, quy định pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác.
Đồng thời, việc rõ lộ trình, quyền và trách nhiệm của từng cấp, ngành trong triển khai cũng tránh vướng mắc trong thực tiễn, việc giải quyết thủ tục sẽ nhanh hơn, thuận lợi hơn. Bởi việc phân cấp giúp tạo chủ động, giảm đầu mối, tầng nấc, hỗ trợ giải quyết các TTHC thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, vẫn rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, ngành và từng cá nhân trong thực thi yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cấp, đơn vị được ủy quyền giải quyết TTHC. Việc TP kịp thời và chỉ rõ những nhiệm vụ của các ngành chức năng, từng đơn vị sẽ giúp việc thực hiện được thống nhất toàn TP, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nếu có.
Hơn thế nữa, việc rõ trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ cũng sẽ tránh được tình trạng lợi dụng kẽ hở trong phân giao quyền hạn, làm rắc rối hoặc tạo rào cản trong thực thi.