Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm phát tại Trung Quốc hạ nhiệt bất chấp Covid-19

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm phát tại các nhà máy của Trung Quốc đã giảm dần vào tháng cuối cùng của năm 2022 bất chấp tình trạng lây nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Giảm phát tại cổng nhà máy của Trung Quốc đã giảm dần vào tháng cuối cùng của năm 2022. Ảnh: Reuters
Giảm phát tại cổng nhà máy của Trung Quốc đã giảm dần vào tháng cuối cùng của năm 2022. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng tăng nhẹ có thể vẫn khiến ngân hàng trung ương thực hiện việc nới lỏng chính sách và thúc đẩy nền kinh tế.

Chỉ số giá sản xuất trong tháng 12 đã giảm 0,7% so với một năm trước đó sau đợt giảm 1,3% vào tháng 11 - Cục Thống kê Quốc gia cho biết hôm 12/1. Các nhà kinh tế đã đưa ra dự đoán về mức giảm 0,1% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg.

Lạm phát tiêu dùng tăng 1,8% so với mức tăng 1,6% trong tháng 11- đáp ứng được kỳ vọng của các nhà kinh tế. Lạm phát cơ bản, bỏ qua giá lương thực và năng lượng, tăng nhẹ lên 0,7% sau khi dậm chân ở mức 0,6% trong ba tháng liên tiếp.

Trưởng bộ phận thống kê của NBS Dong Lijuan cho biết giá tiêu dùng trong tháng 12 nhìn chung tương đối ổn định nhờ việc thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung thị trường và ổn định giá cả.

Trong khi đó, sự sụt giảm PPI lớn hơn dự kiến đã phản ánh được những ảnh hưởng tiêu cực của covid đối với lượng cầu công nghiệp trong tháng 12 này – Theo ông Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Guotai Junan International Holdings

Tuy nhiên, ông cũng cho biết: Khi bắt đầu mở cửa trở lại, cả giá tiêu dùng và giá sản xuất đều có thể có những dấu hiệu khởi sắc bất chấp việc vẫn còn một số áp lực từ lạm phát.

Chứng khoán Trung Quốc có rất ít biến động, với chỉ số CSI 300 giao dịch tăng 0,2% lúc 10h38 sáng tại Thượng Hải. Đồng nhân dân tệ mạnh hơn 0,1% so với đồng bạc xanh.

Việc các ca nhiễm ngày càng gia tăng sau khi dỡ bỏ chính sách zero-covid đã khiến cho hoạt động sản xuất của nhà máy rơi vào khủng hoảng khi nhiều công nhân ở nhà do bị ốm hoặc do sợ nhiễm covid. Các chỉ số kinh tế cho thấy đây là tháng hoạt động yếu nhất của nhà máy Trung Quốc kể từ đầu năm 2020.

Sản xuất và kinh doanh của nhà máy cũng như các đơn đặt hàng mới trong tháng 12 đã ghi nhận mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 4/2022 – quãng thời gian mà Thượng Hải bị phong tỏa.

Các dữ liệu thu được về tần suất sử dụng tàu điện ngầm và các dữ liệu di động khác cho thấy các thành phố lớn đang bùng phát dịch bệnh không có dấu hiệu phục hồi cho đến gần cuối tháng.

Vào hôm 12/1, các nhà chức trách đã cho biết những lo ngại về giá cả hàng hóa quốc tế không ổn định trong năm nay.

“Áp lực từ lạm phát nhập khẩu vẫn còn đó” – Theo ông Wan Jingsong, người đứng đầu bộ phận giá cả của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng Trung Quốc tự tin về khả năng duy trì mức giá ổn định.

Ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại tập đoàn Jones Lang LaSalle, cho biết: "Lạm phát năm 2023 nên duy trì ở mức vừa phải và có thể kiểm soát được, đồng thời xác suất lạm phát tăng nhanh và bền vững là không cao. Do vậy, cần tập trung ổn định đà phục hồi của nền kinh tế.

Các quan chức gần đây cho biết chính sách kích thích tiền tệ vào năm 2023 ít nhất sẽ mạnh như năm ngoái và sẽ tập trung vào việc hỗ trợ nhu cầu trong nước. Ngoài việc cắt giảm lãi suất thì còn có thể phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Trong khi các thành phố lớn đang có dấu hiệu phục hồi, thiệt hại kinh tế có thể tiếp tục khi các ca nhiễm Covid-19 lan rộng khắp những nơi khác trên cả nước trong đợt Tết Nguyên đán này.