Cổ phiếu tại thị trường châu Á đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần khi nhà đầu tư hứng khởi với kỳ vọng sớm có vaccine ngừa Covid-19 mặc dù thị trường vẫn thận trọng trước một loạt cuộc họp chính sách quan trọng của các ngân hàng trung ương ở Anh, Nhật Bản và Mỹ.
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,7% sau khi khởi sắc trong phiên trước đó.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 nhích 0,7%.
Chỉ số tương lai của S&P 500 cộng hơn 1% sau một phiên giao dịch biến động trên sàn Phố Wall vào tuần trước.
Thị trường Trung Quốc giao dịch khởi sắc từ đầu phiên với chỉ số Shanghai Composite tăng 0,26%, Shenzhen Component cộng 0,484%. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông cũng leo dốc 0,44%.
Tại các thị trường khác, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cộng khoảng 0,5%. Tuy nhiên, cổ phiếu của Macquarie Group đã giảm hơn 3% sau khi công ty thông báo dự đoán thu nhập trong nửa đầu năm này sẽ giảm 35%.
Nhà phân tích Tapas Strickland của NAB nhận xét: “Tâm lý của nhà đầu tư tại thị trường cổ phiếu châu Á được cải thiện nhờ thông tin một loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng nhất sẽ được tiếp tục thử nghiệm giai đoạn 3 trong vài tuần tới”.
Hãng dược phẩm AstraZeneca hôm 12/9 thông báo đã nối lại việc thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19, một trong những loại vaccine tiềm năng nhất hiện nay. Thông báo của AstraZeneca cho biết đã nhận được sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) và thử nghiệm là an toàn.
Trước đó, công ty dược đa quốc gia Anh - Thụy Điển AstraZeneca ngừng thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19, do hãng này cùng Đại học Oxford phát triển, sau khi phát hiện phản ứng phụ ở một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
Theo báo cáo của AstraZeneca, tình nguyện viên gặp phản ứng phụ với vaccine ngừa Covid-19 của hãng là một người ở Anh, song công ty quyết định dừng toàn bộ hoạt động thử nghiệm vaccine trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cơ quan BCA Research lưu ý: "Chúng tôi nhận định triển vọng thị trường tiếp tục tăng điểm rất cao, song có thể vẫn có sự điều chỉnh ngắn hạn do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố về địa chính trị thế giới”.
Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến trên chính trường Nhật Bản trong bối cảnh Tokyo đang tìm kiếm người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe. Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga được coi là ứng viên hàng đầu, theo Kyodo News. Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền dự kiến tổ chức bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới trong ngày 14/9.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp chính sách từ ngày 15 - 16/9. Đây là cuộc họp đầu tiên của FED sau khi công bố mục tiêu lạm phát ở mức trung bình 2%. Tại cuộc họp sắp tới, nhiều khả năng FED sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25% và cam kết tiếp tục bơm tiền vào thị trường qua chương trình nới lỏng định lượng (QE) không giới hạn để kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ.
"FED không có nhiều ưu thế trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ so với trước đây" - nhà phân tích Tapas Strickland cho hay.
Dự kiến, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ công bố các quyết định chính sách về tiền tệ trong ngày 17/9.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên 93,247 điểm từ mức 92,7 trong tuần trước.
Tỷ giá đồng USD ổn định so với yen Nhật, hiện ở mức 1 USD đổi được 106,11 yen.