Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ "hạt ngọc trời" trên núi Ngọc Linh

Theo Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ngày canh chim, sóc, đêm thức đuổi chuột là công việc đã kéo dài từ mấy tháng nay của những người trồng sâm trên núi Ngọc Linh ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh là dược liệu đặc biệt quý và có giá trị kinh tế rất cao. Được ví như hạt ngọc trời trên núi Ngọc Linh, việc thu được hạt, trồng được cây sâm Ngọc Linh là quá trình gian nan của người trồng sâm dưới tán rừng già ở độ cao khoảng 1.800m so với mặt nước biển. Những ngày tháng 9 là đợt thu hoạch cuối vụ hạt sâm Ngọc Linh, tại vùng trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Ngày canh chim, sóc, đêm thức đuổi chuột là công việc đã kéo dài từ mấy tháng nay của những người trồng sâm trên núi Ngọc Linh ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Người trồng sâm sáng tạo nhiều cách khác nhau từ cảnh báo xua đuổi đến giăng bẫy hạ sát nhưng vẫn không được ngủ ngon suốt mùa cây sâm Ngọc Linh đơm bông, kết quả.

Chùm quả sâm Ngọc Linh được bao lưới ngăn chim, sóc, chuột phá hoại  
Chùm quả sâm Ngọc Linh được bao lưới ngăn chim, sóc, chuột phá hoại  

Anh A Blum nhà ở làng Ngọc La cho biết, rừng già thì mênh mông, không thể cứ mãi canh trực cả ngày lẫn đêm, người trồng sâm chọn chiến thuật phòng thủ sử dụng lưới bao trùm quả sâm ngăn sự phá hoại của chim, chuột. 

“Chúng tôi không bọc thì chim, chuột nó sẽ cắn hạt, sau này người dân không biết lấy giống ở đâu để trồng. Nên phải bảo vệ chứ không thể ngồi canh được mãi” - anh A Blum chia sẻ.

Những tưởng giải pháp sử dụng lưới bao trùm quả sâm, nạn chim, chuột cắn phá sẽ chấm dứt. Nhưng không, nhiều người trồng sâm trên núi Ngọc Linh ở các xã: Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây của huyện Tu Mơ Rông khẳng định, không những không giảm mà năm nay tình trạng chim, sóc, chuột phá hoại hạt sâm còn gây thiệt hại nặng hơn nhiều năm trước.

Anh A Đạt nhà ở xã Măng Ri cho biết, ngoài việc tấn công những vườn sâm người trồng chủ quan không phòng bị tốt, ngay cả ở những vườn sâm chùm quả đã được bao lưới bảo vệ loài chuột cũng đã tìm ra cách để ăn được hạt sâm.

“Chúng tôi bọc bằng lưới sắt thì chuột vẫn phá. Chúng cắn ở phần phía dưới rồi kéo xuống hạt nào rụng nó ăn. Vì vậy, chúng tôi phải lựa mấy cây chín là thu trước còn mấy cây chưa chín thì mình thu sau” - anh A Đạt bày tỏ.

Một chùm quả sâm Ngọc Linh bị chuột cắn phá  
Một chùm quả sâm Ngọc Linh bị chuột cắn phá  
Sau hàng chục năm kiên trì bảo vệ “gữ hạt ngọc trời trên núi Ngọc Linh”, tính đến đầu tháng 9/2023, người dân, doanh nghiệp ở tỉnh Kon Tum đã nhân giống, mở rộng nâng tổng diện tích cây sâm Ngọc Linh của tỉnh lên gần 1.800ha. Điều đặc biệt là toàn bộ diện tích sâm Ngọc Linh đều được trồng bằng phương pháp nhân giống hữu tính từ hạt.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, đến nay chưa có bất cứ công trình khoa học nào công bố nhân giống thành công sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Bởi vậy trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, động vật hoang dã lại thường xuyên phá hoại thì việc chăm sóc, bảo vệ giúp cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ra hoa, đậu quả để có nguồn giống mở rộng diện tích là hết sức quan trọng.

“Bây giờ biến đổi khí hậu cây sâm Ngọc Linh xuất hiện rất nhiều bệnh. Nắng nhiều thì thiếu nước cây sâm không phát triển được. Mưa nhiều nước ngấm xuống sẽ tạo ra nhiều bệnh. Cộng thêm các thiên địch như chim, chuột hết sức nhiều, đặc biệt là nạn chuột. Con chuột rất thích cắn bông đó xuống để ăn hạt. Đây là khó khăn nhất của người dân trong việc bảo vệ phát triển nguồn giống” - ông Chung nói.

Người trồng sâm quanh năm vất vả chăm sóc, bảo vệ mới có nguồn giống để mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh
Người trồng sâm quanh năm vất vả chăm sóc, bảo vệ mới có nguồn giống để mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh

Với giá trị dược liệu đặc biệt quý và kinh tế rất cao, suốt hàng chục năm qua nguồn giống sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum luôn trong tình trạng khan hiếm. Hiện tại, dù đã là đợt thu hoạch cuối vụ hạt sâm Ngọc Linh, song chỉ cần có thông tin là người mua hạt sâm giống sẵn sàng đi bộ vượt núi ngược ngàn đến tận vườn thu mua. Trả công cho những vất vả “ngày canh chim, sóc, đêm thức đuổi chuột”, người trồng sâm giờ chỉ ngồi đếm hạt tính tiền.

Anh Dương Anh Tuấn, trồng 5.000 cây sâm Ngọc Linh từ 1 đến 12 năm tuổi trên núi Ngọc Linh thuộc địa bàn xã Tê Xăng và Măng Ri cho biết, do kinh tế khó khăn, năm nay giá hạt sâm giống hạ nhiệt. Tuy vậy rẻ hơn nhưng không có nghĩa là dễ mua hơn.

“Thường người ta lên tận vườn để mua cho đảm bảo. Hình thức đếm hạt tính tiền. Giá cả năm nay thì hạ nhiệt tầm 70 - 80 triệu đồng mua được 1.000 hạt, trong khi năm ngoái phải 110 - 120 triệu đồng. Nguồn hạt khan hiếm do người dân đa phần khi thu hạt xong họ sẽ ươm lại, trừ trường hợp những người nhiều quá họ mới bán bớt chứ còn đa phần họ ít bán” - anh Tuấn cho biết.

Được ví như hạt ngọc trời, hạt giống sâm Ngọc Linh bán với giá cao và luôn trong tình trạng khan hiếm
Được ví như hạt ngọc trời, hạt giống sâm Ngọc Linh bán với giá cao và luôn trong tình trạng khan hiếm

Suốt hàng chục năm qua ở độ cao khoảng 1.800m so với mặt nước biển quanh năm mây phủ, dưới tán rừng già trên núi Ngọc Linh, chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Kon Tum đã đầu tư công sức, trí tuệ gây dựng được diện tích gần 1.800ha sâm Ngọc Linh. Từ cây “thuốc giấu” của người Xơ Đăng, cây sâm Ngọc Linh giờ đã giúp người dân “xóa nghèo”, “làm giàu”, thành cây “quốc kế dân sinh”, thành “sản phẩm quốc gia”…

Để cây sâm Ngọc Linh cũng như các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh vươn tầm thế giới, những người trồng sâm trên núi Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum vẫn đang từng ngày, từng giờ cần mẫn thuận theo tự nhiên và cũng có cả đấu tranh với tự nhiên để giữ "hạt ngọc trời" trên núi Ngọc Linh.