GS Carl Thayer: Đàm phán COC có thể kéo dài sang 2018

Hương Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 5, ASEAN và Trung Quốc sẽ có cuộc đàm phán về khung cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Báo Kinh tế&Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia về quá trình đàm phán cũng như vai trò của Việt Nam trong việc xây dựng COC.
Giới chức Trung Quốc đã có nhiều phát ngôn tích cực về việc đẩy nhanh đàm phán COC như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, 2 bên đã đạt được dự thảo đầu tiên của COC. Động thái này có đồng nghĩa với việc Bắc Kinh thay đổi chính sách đối với vấn đề Biển Đông không, thưa ông?
Trung Quốc đã thay đổi chính sách, sau khi vấp phải phản ứng từ các nước ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh vào năm ngoái. Nước này đã tuyên bố sẽ hỗ trợ tiến tới hoàn tất bộ khung COC vào giữa năm nay. Điều này, tất nhiên, cũng có sự đóng góp tích cực từ thái độ thân thiện với Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Duterte. Trước đó, dưới thời của người tiền nhiệm Aquino, Manila và Bắc Kinh chưa từng có các cuộc thảo luận song phương.
 GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia.
Ngoài ra, việc Trung Quốc có các động thái đẩy nhanh thảo luận COC với ASEAN trong bối cảnh chính sách với khu vực Đông Nam Á của chính quyền Tổng thống Donald Trump còn chưa rõ ràng. Hiện tại, Washington vẫn còn đang “bận rộn” với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Những yếu tố này lý giải cho chính sách ngoại giao hiện tại của Bắc Kinh.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các quốc gia ASEAN trong quá trình đàm phán? Liệu các nước ASEAN có tìm được sự đồng thuận trong quá trình tiến tới COC?
Các nước ASEAN đã đạt được sự đồng thuận về việc đàm phán bộ khung COC với Trung Quốc. Về vai trò của các quốc gia, Campuchia và Lào luôn có vai trò hạn chế trong vấn đề Biển Đông. Tất nhiên, nếu bất kỳ thành viên ASEAN nào có tiếng nói mạnh mẽ, Campuchia sẽ hành động như một “bộ lọc”, phản đối phát ngôn của quốc gia đó.
Trong khi đó, Việt Nam đóng một vai trò chủ động trong ASEAN nhằm đạt được sự nhất trí về vấn đề Biển Đông. Việt Nam phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo hiện có và việc chiếm đóng các đảo chưa có người ở. Việt Nam ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới đạt được bộ khung COC, và cuối cùng là một COC có tính ràng buộc đối với vấn đề Biển Đông.
 Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cải tạo và xây thành đảo nhân tạo phi pháp. Nguồn: AFP.
Tháng trước, Tổng thống Philippines Duterte đã tuyên bố, nước này sẵn sàng đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo ông, động thái này có ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc đàm phán về COC?
Về cơ bản, tất cả các thành viên ASEAN đều đồng ý rằng các tranh chấp biển chỉ có thể được giải quyết bởi các quốc gia liên quan trực tiếp. Nếu tranh chấp liên quan đến chủ quyền, tranh chấp này chỉ có thể được giải quyết bởi hai nước trực tiếp liên quan.
Tổng thống Duterte trước tiên muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc và thu hút nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng. Và ông ấy đã thành công. Hiện tại, ông Duterte muốn ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về bộ khung COC. Quan điểm của nhà lãnh đạo Philippines là không tạo sức ép buộc Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế (PCA) tại The Hague (Hà Lan). Nhưng điều này không có nghĩa là Tổng thống Duterte sẽ từ bỏ những quyền lợi hợp pháp của Philippine được quy định bởi luật pháp quốc tế. Do vậy, các cuộc đàm phán song phương giữa Bắc Kinh và Manila sẽ giúp tăng cường vị thế của ASEAN.
Ông có dự đoán gì về thời điểm hoàn tất COC không, thưa ông?
Hiện tại, ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất về bộ khung COC. Cả 2 bên đều hy vọng sẽ hoàn tất vào giữa năm nay. ASEAN và Trung Quốc từ lâu đã đồng ý tiếp cận một COC "trên cơ sở đồng thuận". Do đó, bất kỳ nước nào cũng có thể từ chối chấp nhận COC nếu văn bản này không đảm bảo lợi ích quốc gia. Vì vậy, văn bản chính thức cuối cùng của COC có thể mất nhiều thời gian hơn và kéo dài đến 2018.
Trung Quốc không bao giờ thay đổi tham vọng ở Biển Đông. Thái độ tích cực hiện tại của Trung Quốc chỉ là thao tác chiến thuật nhằm bảo vệ uy tín đối với quốc tế sau phán quyết PCA hồi năm ngoái. Vì vậy, Trung Quốc sẽ trốn tránh khi bàn đến các yêu sách cụ thể về COC.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần