Hà Lan hợp tác hỗ trợ giải quyết thách thức cho Đồng bằng sông Cửu Long

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/4 tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, Hà Lan có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, đứng thứ 2 thế giới. Nền nông nghiệp Hà Lan sử dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị vào trồng trọt và sản xuất theo quy trình sản xuất bền vững, hiệu quả, mang lại năng suất cao.

Bên cạnh đó, Hà Lan là quốc gia cửa ngõ của thị trường châu Âu, nơi có sân bay, cảng biển quy mô và hiện đại trên thế giới. Trong khi đó, ĐBSCL là vùng kinh tế rộng lớn với tổng diện tích 40,5 nghìn km2, dân số 17,2 triệu người. ĐBSCL có các thế mạnh về phát triển nông nghiệp và là trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Giang Lam
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Giang Lam

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức liên quan tới đất, nước, môi trường và rủi ro do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông, logistics còn nhiều hạn chế, lao động trình độ thấp cùng các vấn đề di cư, mô hình sản xuất nông nghiệp theo truyền thống, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, sản xuất còn thấp, những phương thức cũ không còn phù hợp và đặt ĐBSCL vào yêu cầu cần thay đổi, cần có một mô hình phát triển mới.

Với những điểm có lợi thế của Hà Lan như kỹ thuật canh tác nông nghiệp, logistics, cảng biển, quản lý nguồn nước và nông nghiệp công nghệ cao… trong khi ĐBSCL của Việt Nam có quy mô, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên và nguồn lao động… 2 bên sẽ bổ trợ cho nhau.

Trong năm 2021, Bộ Nông nghiệp - Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan cùng các bên liên quan sáng kiến thành lập Nền tảng Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan vùng ĐBSCL, được thực hiện giữa 3 đối tác gồm Bộ Nông nghiệp - Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan; Liên minh hàng ưu tiên Hà Lan (hàng ưu tiên trong lĩnh vực nước, tiếp cận hậu cần, nông sản, rau quả và vật liệu giống) và VCCI Cần Thơ.

Đến nay đã phối hợp thực hiện nghiên cứu tiềm năng, cơ hội đầu tư tại vùng ĐBSCL hướng đến đối tác Hà Lan, nhằm phân tích và đưa các cơ hội cụ thể cho DN Hà Lan khi muốn đầu tư, kinh doanh tại vùng ĐBSCL.

Diễn đàn hôm nay cũng là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Nền tảng Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan. Ngoài ra, hai bên còn tăng cường trao đổi các thông tin về hoạt động của hai phía thông qua bản tin của VCCI Cần Thơ hàng tháng.

“Tôi tin rằng, với các hoạt động hợp tác và thúc đẩy kinh doanh - đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan tại ĐBSCL sẽ giúp cho vùng ĐBSCL chuyển đổi nông nghiệp một cách hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là quản lý nguồn nước và các công nghệ liên quan đến phát triển nông nghiệp, trong đó vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được quan tâm nhiều hơn trong quá trình hợp tác” - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, các DN của Hà Lan và Việt Nam đều đánh giá vùng ĐBSCL có chi phí không chính thức thấp, chứng tỏ chính quyền rất tích cực trong điều hành, môi trường kinh doanh được cải thiện rất nhiều; năng suất lao động cũng được kỳ vọng cải thiện rất lớn trong những năm tới…

Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn hạn chế như: Thủ tục chấp nhận chủ tương đầu tư còn khá chậm, dịch vụ công trực tuyến được đầu tư nhiều nhưng chưa đáp ứng mong muốn của các DN, nhà đầu tư; khai thác giao thông thủy còn hạn chế nhiều…

Bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho hay, vai trò quan trọng của ĐBSCL về kinh tế, xã hội và sinh thái đối với Việt Nam là không thể bàn cãi. “Chúng ta có chung mục tiêu: Đảm bảo vùng đồng bằng tồn tại bền vững trong tương lai, có khả năng phục hồi về mặt kinh tế và sinh thái. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận thuận thiên, liên ngành và tích hợp.

Chúng tôi tin tưởng rằng Hiệp định EVFTA có thể thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh doanh và Hà Lan mong muốn trở thành đối tác của Việt Nam trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của hai bên về nước và biến đổi khí hậu, về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, thông qua các giải pháp về hậu cần và phân phối cũng như thông qua hợp tác chiến lược…” - Đại sứ Akkerman chia sẻ.

 

Hà Lan là đối tác tin cậy và lâu dài của Việt Nam trong quản lý nước, nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chuyên gia Hà Lan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam xây dựng bản Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL. Ngày 28/2 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên tại Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần