Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước với ký hiệu 2A: Cát Linh – Hà Đông đã chính thức được đưa vào vận hành, khai thác từ ngày 6/11. Để thấy rõ hơn công phu chuẩn bị và định hướng quản lý của TP, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Xin ông cho biết tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh – Hà Đông được đưa vào vận hành khai thác từ thời điểm nào?
Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 6/11, Bộ GTVT đã phối hợp với Hà Nội, tổ chức lễ tiếp nhận bàn giao để đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ký hiệu 2A vào vận hành theo đúng quy trình, quy định.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ GTVT, và đặc biệt là Hội đồng kiểm tra, nghiệm thu Nhà nước do Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực, ngày 29/10, Dự án tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã được thông qua, chấp thuận nghiệm thu có điều kiện để triển khai vận hành thương mại. Như vậy sau 13 năm có Quyết định đầu tư và 10 năm xây dựng, tuyến ĐSĐT số 2A đã được bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, vận hành thương mại ngay.
Với vai trò là đơn vị tiếp nhận, quản lý, khai thác tuyến ĐSĐT số 2A, Hà Nội đã có quá trình chuẩn bị như thế nào thưa ông?
Đến thời điểm này, với vai trò là đơn vị tiếp nhận, vận hành, TP Hà Nội đã chuẩn bị các nội dung cũng như nguồn lực đầy đủ, cơ bản hoàn thành khối lượng công việc, tiếp nhận 21 quy trình bảo dưỡng, 166 quy trình khai thác vận hành.
Trong đó bao gồm cả công tác xử lý các vấn đề liên quan tới đánh giá an toàn hệ thống, điều chỉnh quy trình để đảm bảo an toàn kỹ thuật tuyệt đối cho tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông trước thời điểm khai thác.
Tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông được TP giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội quản lý, vận hành. Đây là tuyến ĐSĐT đầu tiên của Thủ đô cũng như cả nước và cũng là mô hình vận tải khối lượng lớn, tốc độ cao, kỹ thuật công nghệ mới, nên toàn bộ hệ thống sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã phải tổ chức một lực lượng nhân sự khoảng 733 người để quản lý vận hành; giai đoạn đầu một năm sẽ sử dụng 682 nhân sự; với 201 người được đào tạo tại Trung Quốc, còn lại được đào tạo tại Việt Nam. Trong đó có 51 lái tàu đã được cấp phép đầy đủ, hoàn chỉnh theo các quy định của Luật Đường sắt. Ngoài ra, TP còn chuẩn bị cả lực lượng tăng cường để đảm bảo quy trình kỹ thuật, theo các khuyến cáo đánh giá an toàn hệ thống.
Trước đó, vào các năm 2018, 2019, 2020 và 2021, TP Hà Nội cũng đã xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các nội dung quản lý. Năm 2018 đã có hẳn một dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp để khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông, với tuyến đường sắt số 2A.
Năm 2019, UBND TP đã trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ giá vé cũng như các cơ chế chính sách cho từng đối tượng hành khách. Bên cạnh đó HĐND TP cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT để tiếp nhận các khoản vay ODA và trách nhiệm trả nợ lãi vay, cân đối nguồn lực để trả nợ.
Đến năm 2020, TP đã ban hành các quy định về quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng tuyến đường sắt số 2A. Năm 2021, TP thiết lập một phương án để kết nối giao thông cho tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, đặc biệt là tại khu vực 12 nhà ga. Từ ga đầu Yên Nghĩa đến ga cuối Cát Linh đã được tối ưu hoá khả năng kết nối với các loại hình giao thông công cộng khác như: xe buýt, taxi… kể cả các loại hình phương tiện khác.
Ngoài ra, UBND TP đã thiết lập một Tổ Công tác đặc biệt, được tập dượt kỹ càng để xử lý mọi tình huống đặc biệt, cấp bách có thể xảy ra. Tháng 6/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về giá vé tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân.
Vậy tuyến ĐSĐT số 2A đã được tổ chức vận hành, đảm bảo an toàn kỹ thuật như thế nào thưa ông?
Thời điểm này, tuyến đường sắt số 2A sẽ được vận hành khai thác giai đoạn đầu, dự kiến là một năm. TP Hà Nội cũng đã thống nhất với Bộ GTVT, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, giai đoạn đầu một năm đầu này sẽ được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là 6 tháng, dự kiến khai thác vận hành khai thác ngay 6 đoàn tàu từ ngày 6/11 với tần suất 10’/lượt. HĐND, UBND TP cũng đã thông qua cơ chế hỗ trợ ngân sách để 15 ngày đầu miễn phí hoàn toàn cho người dân đi lại. Trong 15 ngày đầu tiên sẽ sử dụng 3 đoàn tàu chạy không ngừng, không nghỉ.
6 tháng tiếp theo sẽ sử dụng 9 đoàn tàu liên tục, khai thác 100% công suất tối đa, tần suất 10’/lượt và sẽ có đánh giá cụ thể lưu lượng hành khách cũng như tình hình vận tải thực tế.
Theo quy trình đã được Hội đồng kiểm tra Nhà nước cũng như Bộ GTVT xác định, theo tính chất, chức năng của tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn theo công nghệ của nhà sản xuất Trung Quốc, tuyến đường sắt 2A còn được tư vấn ACT của Pháp đánh giá đảm bảo các tiêu chí an toàn.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông nói riêng và mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội nói chung?
Đây là tuyến đường sắt hết sức quan trọng, nối từ nội đô lịch sử (quận Đống Đa) đến khu vực phát triển mới (quận Hà Đông). Tại quận Hà Đông cũng đã dự trữ quỹ đất để tương lai còn kết nối tiếp tuyến đường sắt này đến đô thị vệ tinh Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Như vậy, tuyến đường sắt này sẽ tạo nên một trục vận tải khối lượng lớn, tốc độ cao, hiện đại cho khu vực Tây Nam TP.
Trên thực tế, đi toàn tuyến đường sắt 2A chỉ mất khoảng 23 phút, với thời gian dừng tại mỗi ga là 45 giây. Nếu không dừng thì toàn bộ hành trình chỉ mất khoảng 13 phút. Đặc biệt, các chuyến tàu không gặp bất cứ ngăn cản, hay đan xen, xung đột giao thông nào do được chạy trên một làn đường riêng biệt lập trên cao. Đây là lợi thế, là ưu điểm lớn nhất của ĐSĐT.
Nhìn lại quá trình hình thành tuyến đường sắt số 2A, Bộ GTVT đã có một thời gian rất dài chuẩn bị, nhiều khó khăn vướng mắc cuối cùng cũng đã được vượt qua. Đến giờ phút này, trên một nền tảng cơ sở pháp lý lớn, chặt chẽ, tuyến ĐSĐT đầu tiên của Thủ đô đã tới thời khắc rất có ý nghĩa, được tiếp nhận và đi vào vận hành. Hy vọng rằng tuyến đường sắt này sẽ có đóng góp tích cực cho việc tổ chức, quản lý giao thông của toàn TP theo hướng văn minh, hiện đại và hiệu quả.
Tỷ trọng vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện còn rất thấp, mới đạt khoảng 17%. Thành uỷ, HĐND, UBND TP đã xác định phải nâng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng lên 30 - 35% trong giai đoạn trước mắt. Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội cần thêm nhiều tuyến ĐSĐT nữa. Theo quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 8 tuyến với 10 đoạn tuyến ĐSĐT, tạo nên mạng lưới vô cùng quan trọng giảm UTGT, ô nhiễm môi trường. Với những phương tiện giao thông công cộng hiện đại như ĐSĐT, Hà Nội sẽ kiềm chế được sự gia tăng phương tiện cá nhân.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Hải (thực hiện)
Ảnh: Phạm Hùng, Phạm Công
Thiết kế: Ngọc Minh
17:11 08/11/2021