Đan Phượng kiểm tra, giám sát 30/30 trường học có bếp ăn tập thể
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 55 trường học công lập (bậc mầm non có 19 trường, tiểu học 20 trường và THCS 16 trường) và 40.006 học sinh các cấp, 2.623 giáo viên.
Hệ thống bếp ăn tập thể của các trường công lập có tổ chức ăn bán trú đều được bố trí trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP) đáp ứng cung cấp suất ăn cho gần 35.000 học sinh.
100% các cơ sở giáo dục đều ký cam kết/cấp giấy chứng nhận ATTP. 100% giáo viên, nhân viên bếp, cô nuôi và giáo viên đều được tập huấn kiến thức ATTP và khám sức khoẻ định kỳ. 100% Ban giám hiệu các trường thường xuyên tổ chức giám sát định kỳ và có sự tham gia của hội cha mẹ học sinh.
Trong năm học, các cơ quan chức năng đã tổ chức thẩm định và đánh giá 21 cơ sở cung cấp thực phẩm, suất ăn sẵn, nước uống đóng bình, chai, các sản phẩm từ sữa. Qua kiểm tra, giám sát, 30/30 trường học có bếp ăn tập thể không xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào.
Nhờ đó, trong năm học 2023 - 2024, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc tập thể tại các trường học, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP tại các cơ sở giáo dục.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Phòng Y tế huyện phối hợp Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các đơn vị trường tập trung thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho bếp ăn bán trú.
Đặc biệt, nhiều năm qua, huyện, các xã, thị trấn, trường học đã rất coi trọng nội dung này thông qua hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên nuôi dưỡng, các nhà cung cấp thực phẩm.
Các cơ sở, địa phương đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các bếp ăn tập thể trong nhà trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nhiều mô hình bảo đảm ATTP được triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đề nghị các địa phương, đơn vị, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiên thức về ATTP cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn; giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Đặc biệt, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, công khai tên các cơ sở vi phạm về ATTP.
Bên cạnh đó, các đơn vị, cơ sở thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về ATTP; 100% vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về ATTP được điều tra, xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm; truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm…
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đều phải cung cấp đường dây nóng phản ánh sự cố, mất an ninh ATTP trong và xung quanh trường học để có biện pháp xử lý kịp thời khi có thông tin.
Nâng cao ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm bếp ăn trường học
Đề cập đến vấn đề này, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) Lê Thị Hằng cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể trường hợp của TP luôn được đẩy mạnh. Mục tiêu là 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát theo quy định, cụ thể trong năm 2023 đạt tỷ lệ 84,5% cơ sở được kiểm tra.
“Ngộ độc thực phẩm có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội. Đối với cá nhân, ngộ độc thực phẩm gây nhiều tốn kém như: chi phí nằm viện, thuốc, cấp cứu, ngăn chặn bệnh, chi phí phục hồi sức khỏe... Người dân có nguy cơ thất thoát thu nhập, ảnh hưởng sức khỏe, mất việc làm, xáo trộn sinh hoạt trong gia đình. Ngộ độc thực phẩm cũng gây tổn thất của Nhà nước về các chi phí điều tra, xét nghiệm nguyên nhân gây ra ngộ độc...” – bà Hằng nhấn mạnh.
Ba Lê Thị Hằng cũng thông tin thêm, trong năm 2023, qua công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các trường học được nâng cao hơn.
Tại hội nghị, đại diện các trường học đã được Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học để áp dụng trong quá trình cung cấp, sử dụng bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.
Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, bếp ăn tập thể trường học cần đảm bảo ATTP trong suốt chuỗi cung cấp thức ăn (sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể).
Các trường nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho người quản lý, chế biến thức ăn và cho người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể; kiểm tra, giám sát ATTP thường xuyên trong chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể.
Xác định nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh, các nhà trường cần ký hợp đồng nhập thực phẩm từ các cơ sở cung ứng thực phẩm, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP, cơ sở áp dụng "Thực hành nông nghiệp tốt - GAP"; Viet GAP, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện ATTP.
Ngoài ra, việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm tại nơi sản xuất vùng nguyên liệu (vùng trồng trọt và chăn nuôi) là rất quan trọng. Khi tiếp nhận nguyên liệu, nhà trường cần có chứng chi (thẻ hàng) của bên cung cấp và kiểm tra nguyên liệu khi nhập như: thực hiện kiểm thực 3 bước (trước khi nhập, trước khi nấu và trước khi ăn); kiểm tra bằng cảm quan và test nhanh (Rapid test...).
Từ năm 2010 đến 2023, TP Hà Nội đã xảy ra 28 vụ ngộ độc thực phẩm và 712 người mắc, không có ca tử vong. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, tại Hà Nội đã có 186 người bị ngộ độc thực phẩm, không có ca tử vong.