Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội kiểm soát chặt an toàn thực phẩm mùa lễ hội Xuân 2025

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay là thời điểm sôi động của mùa lễ hội Xuân 2025. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) và xảy ra sự cố ATTP vẫn có thể xảy ra ở các khâu của chuỗi thực phẩm tại các địa phương, đặc biệt những nơi có tổ chức lễ hội, tập trung đông người.

Nỗi lo mất ATTP

Đến hẹn lại lên, sau Tết Nguyên đán, Hà Nội cùng nhiều địa phương trên cả nước bước vào lễ hội Xuân. Từ đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thời vụ cũng nở rộ, kèm theo là nỗi lo mất ATTP. Bởi vậy, vấn đề kiểm soát chất lượng ATTP tại các lễ hội đang được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng TP đặt lên hàng đầu.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra nhà hàng cơm phở Quyết Thắng tại khu vực lễ hội chùa Hương.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra nhà hàng cơm phở Quyết Thắng tại khu vực lễ hội chùa Hương.

Những ngày này, du khách thập phương đến các lễ hội, khu di tích, đền, chùa… trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng tăng cao. Kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống cũng tăng theo. Nguy cơ mất ATTP và xảy ra sự cố ATTP có thể xảy ra ở bất cứ đâu, đặc biệt là tại những nơi có tổ chức lễ hội lớn, tập trung đông người.

Sau khi đi tham quan, lễ phật tại lễ hội chùa Hương, cùng gia đình ăn trưa tại dịch vụ ăn uống đường lên Thiên Trù, chị Trần Thị Thư (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Năm nay, các cơ sở kinh doanh ăn uống được sắp xếp quy củ hơn trước. Thực phẩm rất tươi ngon và sạch sẽ, ăn uống hợp lý, giá cả được niêm yết công khai”.

Ông Nguyễn Quyết Thắng – Chủ nhà hàng cơm phở Quyết Thắng cho biết: “Trong mùa lễ hội, chúng tôi luôn chú trọng tới 2 vấn đề là phòng cháy chữa cháy và ATTP. Riêng về nguồn nước được nhà hàng sử dụng rất thoải mái từ nước sạch của TP cung cấp nhiều năm nay. Về nguồn gốc thực phẩm, chúng tôi đều chấp hành nghiêm theo quy định, có hợp đồng đầy đủ các giấy tờ thủ tục chứng minh nguồn gốc”.

Đoàn kiểm tra xét nghiệm nhanh bát, đĩa ăn tại nhà hàng cơm phở Quyết Thắng ở khu vực Lễ hội chùa Hương.
Đoàn kiểm tra xét nghiệm nhanh bát, đĩa ăn tại nhà hàng cơm phở Quyết Thắng ở khu vực Lễ hội chùa Hương.

Những ngày qua, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) và phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ).

Tại lễ hội chùa Hương, qua kiểm tra trực tiếp một số nhà hàng tại khu vực bến Thiên Trù, Đoàn lưu ý các cơ sở cần duy trì việc bảo quản thực phẩm tươi sống đúng quy định, có tủ chuyên dụng bảo quản, che đậy thực phẩm.

Tại phủ Tây Hồ, qua kiểm tra, nhà hàng Hồng Luyến (số 33, ngõ 50 phố Đặng Thai Mai) còn một số tồn tại như chưa xuất trình, giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của 2 người lao động và một số các hồ sơ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Đoàn yêu cầu cơ sở bổ sung các giấy tờ còn thiếu; duy trì thực hiện nghiêm các điều kiện đảm bảo ATTP.

Tăng tần suất kiểm tra đột xuất

Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung cho biết, hiện có khoảng 27 cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ quanh phủ Tây Hồ. Thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành của quận và phường đã xử phạt 3 cơ sở 12 triệu đồng (mỗi cơ sở 4 triệu đồng). Hiện nay, quận đang thiết lập hồ sơ xử lý thêm 2 cơ sở với 16 triệu đồng (mỗi cơ sở 4 triệu đồng).

Các lỗi vi phạm chủ yếu là khâu vệ sinh. Đó là vấn đề vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh trong khâu chế biến; đặc biệt là vấn đề lưu mẫu thực phẩm và kiểm thực 3 bước. Quận cũng lưu ý khâu quan trọng trong kiểm tra đó là nguồn gốc xuất xứ các nguyên liệu để các loại bánh như bánh tôm, bánh bột lọc…

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cùng đoàn kiểm tra lưu ý các vấn đề về bảo đảm ATTP tại nhà hàng Nguyệt Nga (phủ Tây Hồ_.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cùng đoàn kiểm tra lưu ý các vấn đề về bảo đảm ATTP tại nhà hàng Nguyệt Nga (phủ Tây Hồ_.

So với các năm trước đây, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng tại phủ Tây Hồ đã sự chuyển biến tích cực. Qua kiểm tra, nhân viên các nhà hàng đều có ý thức đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến thực phẩm. Các cơ sở đã trang bị tủ kính bày bán, che chắn thực phẩm…

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, sau Tết Nguyên đán, công tác thanh, kiểm tra liên ngành về ATTP tiếp tục được tăng cường, trong đó tăng tần suất kiểm tra đột xuất các cơ sở phục vụ lễ hội Xuân năm 2025.

Đoàn kiểm tra thực tế tại nhà hàng Hòa Nhã tại ngõ 50 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Đoàn kiểm tra thực tế tại nhà hàng Hòa Nhã tại ngõ 50 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.

“Đặc biệt, các đoàn kiểm tra của địa phương không “nương tay” với vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm” – ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Trước đó, Cục ATTP, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, TP tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định bảo đảm ATTP; tăng tần suất kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ các lễ hội Xuân.

Đặc biệt, các cơ sở bán hàng ăn trong mùa lễ hội phải ký cam kết bảo đảm ATTP, đáp ứng những điều kiện bắt buộc. Đó là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc.

 

Năm nay, lễ hội chùa Hương có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tính đến nay, 3 đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP của huyện Mỹ Đức đã kiểm tra được 10/97 cơ sở; có 1/10 cơ sở vi phạm hành chính; 1/10 cơ sở đề xuất xử lý vi phạm. Tổng số tiền xử lý vi phạm 4 triệu đồng.

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng