Hà Nội tăng cường quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính
Kinhtedothi - Ngày 22/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.
Theo Công điện, thời gian qua, TP Hà Nội đã và đang tích cực triển khai công tác sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn. Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp tình hình từ các địa phương và phản ánh của người dân, báo chí, hiện nay tại một số địa bàn đang xuất hiện tình trạng người dân, tổ chức lợi dụng thời điểm chuyển tiếp, thay đổi địa giới hành chính để lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng, tự ý xây dựng công trình trái phép. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân.

Ảnh minh họa
Trước tình hình trên và nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn sắp xếp các đơn vị hành chính, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nội dung sau:
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm phát sinh; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không tự ý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm ngay từ đầu các trường hợp vi phạm; tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan để giải quyết các vụ việc phức tạp, vượt thẩm quyền, không để kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Môi trường: chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất, đặc biệt tại các khu vực công ích, đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng có nguy cơ bị lấn chiếm; thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề tại các địa bàn có biến động về địa giới hành chính. Xử lý nghiêm các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, lấn chiếm đất công, xây dựng trái quy định; rà soát toàn bộ diện tích ao hồ, đất nông nghiệp do ngành quản lý, phát hiện và đề xuất xử lý đối với các trường hợp bị xâm chiếm, sử dụng sai mục đích; chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện trong việc khôi phục nguyên trạng tại các khu vực bị lấn chiếm; đề xuất phương án quản lý, khai thác hiệu quả diện tích ao hồ, đồng ruộng nhằm ngăn ngừa vi phạm tái diễn.
Sở Xây dựng: tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công, đất lấn chiếm; hướng dẫn UBND các cấp trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa bàn mới sáp nhập, đảm bảo không để phát sinh “điểm nóng”.
Công an TP: chỉ đạo Công an cấp xã tăng cường nắm bắt tình hình an ninh trật tự, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai, trật tự xây dựng; phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, cưỡng chế, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật; chủ động đấu tranh với các hành vi tổ chức, tiếp tay cho việc chiếm dụng trái phép đất đai, gây mất an ninh trật tự; có biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, củng cố hồ sơ xử nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Phục vụ hành chính công TP: Tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng tại địa phương đang trong quá trình sắp xếp hành chính; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp huyện rà soát các hồ sơ có dấu hiệu bất thường, phát hiện sai phạm, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; mở trang thông tin trên hệ thống iHanoi để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm đất đai, ao hồ, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, quán triệt, thực hiện nghiêm Công điện này, thường xuyên báo cáo kết quả, những vấn đề phát sinh và thực hiện báo cáo định kỳ trước ngày 25 hằng tháng về Sở Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời gửi Văn phòng UBND TP, để tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND TP theo quy định.
Khẩn trương, sẵn sàng cho hoạt động đồng bộ toàn hệ thống chính trị sau sắp xếp
Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, kể từ 1/5/2025, khối lượng công việc sẽ rất lớn khi 63 tỉnh, TP gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình UBTV Quốc hội và Quốc hội cùng thời điểm, đòi hỏi Bộ tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các bộ, ngành điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để bảo đảm việc vận hành của chính quyền địa phương hai cấp.

Sắp xếp đơn vị hành chính: không để xảy ra vi phạm đất đai, trật tự xây dựng
Kinhtedothi - Từ nay đến hết ngày 30/6/2025 chỉ còn khoảng 3 tháng, lãnh đạo các quận, huyện khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra vi phạm đất đai, trật tự xây dựng…

Sau sắp xếp, các bộ, ngành tinh giản hơn 22.300 biên chế
Kinhtedothi-Sau sắp xếp tổ chức bộ máy tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, kết quả số lượng biên chế tại các bộ, ngành giảm khoảng 22.323 người, đạt khoảng 20%.