Wednesday, 08:15 10/06/2015
Hai cuộc chiến cam go
Kinhtedothi - Dù báo động về dịch bệnh MERS tại Hàn Quốc đang được duy trì ở mức “chú ý” nhưng giới chức nước này hôm 9/6 đã khẳng định, mọi công tác phòng ngừa cần được thực hiện như ở mức độ “nghiêm trọng” nhằm ngăn chặn khả năng lây lan ra cộng đồng.
Kinhtedothi -
Dù báo động về dịch bệnh MERS tại Hàn Quốc đang được duy trì ở mức “chú ý” nhưng giới chức nước này hôm 9/6 đã khẳng định, mọi công tác phòng ngừa cần được thực hiện như ở mức độ “nghiêm trọng” nhằm ngăn chặn khả năng lây lan ra cộng đồng.
Giáo viên đo thân nhiệt cho học sinh tại một trường tiểu học Hàn Quốc.
|
Sự lây lan nhanh và bất thường của MERS tại Hàn Quốc đã tạo điều kiện để các đảng phái đối lập “tấn công” chính quyền đang chịu nhiều tổn thất sau một loạt bê bối của Tổng thống Park Geun-hye. Và đúng như nhận định của ông Nam Kyung-pil - Tỉnh trưởng tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc đang phải đối mặt với “hai cuộc chiến”, một liên quan đến bệnh tật, một liên quan đến thái độ đang bị chia rẽ của người dân. Nhận định này không phải không có cơ sở bởi một bộ phận dân chúng đã thể hiện sự sợ hãi và phản ứng thái quá trước bệnh dịch.
Nhóm điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gồm 16 chuyên gia đã bắt đầu công tác điều tra tình hình dịch tễ và quản lý các ca nhiễm bệnh MERS ở Hàn Quốc. Kết quả điều tra dự kiến công bố vào ngày 13/6. |
Sự sợ hãi này ban đầu xuất phát từ nguyên nhân khách quan của diễn tiến nhanh và đầy bất ngờ của dịch. Chỉ hơn 3 tuần sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, ít nhất 7 người thiệt mạng, gần 100 người nhiễm bệnh, hơn 2.900 người phải cách ly. Phản ứng chậm chạp và có phần chủ quan của hệ thống y tế Hàn Quốc sau đó đã được các đảng phái đối lập khai thác như một “điểm yếu” trong chính quyền của Tổng thống Park – người cam kết không kết hôn để chăm lo cho dân chúng như chăm lo cho người thân trong gia đình.
Trước sức ép của dư luận, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc phải công bố tên của 24 bệnh viện tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm MERS và người đứng đầu Nhà Xanh cũng phải thay đổi lịch trình bằng phiên họp khẩn với Nội các về tình hình dịch bệnh. Việc chính phủ, chính quyền địa phương và các chuyên gia dân sự nhóm họp hàng ngày để kiểm tra và điều chỉnh biện pháp đối phó với dịch MERS bắt đầu từ hôm 9/6 cho thấy, quyết tâm chống dịch bệnh và nỗ lực xoa dịu dư luận của Tổng thống Park Geun-hye.
Trong phiên họp Nội các hôm thứ Ba (9/6), Tổng thống Park nhấn mạnh, với công nghệ y tế, hệ thống phòng dịch tiên tiến và từng có kinh nghiệm khắc phục khủng hoảng, chỉ cần chính phủ, giới y tế và toàn dân cùng hợp sức sẽ sớm chấm dứt được dịch MERS. Nhân dịp này, bà Park cũng kêu gọi người dân không phản ứng quá nhạy cảm trước diễn biến của dịch MERS khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ. Trước đó, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Choi Kyoung-hwan, người hiện đang giữ chức quyền thủ tướng Hàn Quốc cũng cam kết, chính phủ sẽ huy động toàn bộ nguồn lực vốn có và hỗ trợ ngân sách một cách nhanh nhất để dập tắt dịch bệnh. Trung tâm quản lý dịch bệnh MERS trung ương công bố Chính phủ sẽ chi toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân hoặc người bị nghi ngờ nhiễm MERS. Chính phủ sẽ áp dụng bảo hiểm y tế đối với việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và chi phí nhập viện ở phòng cách ly vốn không được bảo hiểm.
Trong khi dịch MERS đang diễn biến phức tạp, vấn đề Tổng thống Park Geun-hye có sang thăm Mỹ từ 14 – 18/6 như dự kiến hay không đang thu hút sự chú ý của dư luận. Sự bất bình của người dân khi Tổng thống duy trì lịch trình được sắp xếp có thể khiến Nhà Xanh phải tính toán lại kế hoạch công du, nhất là khi các nghị sĩ đối lập cho rằng Tổng thống nên hoãn chuyến công du tới Mỹ. Tuy nhiên, chuyến đi này có ý nghĩa rất lớn đối với chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc cũng như lịch trình của Tổng thống Barack Obama và các quan chức cấp cao Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và có khả năng diễn biến phức tạp cần có sự tham vấn của chính quyền Washington, rất khó để bà Park hoãn chuyến công du này. Vậy là ngoài cuộc chiến chống dịch MERS, Tổng thống Park đang phải đối diện với một cuộc chiến đầy cam go khác từ lòng dân và sự “phản công” của các đảng phái đối lập.