Hai thỏa thuận của Mỹ ở Thái Bình Dương nhằm "tranh" ảnh hưởng của Trung Quốc

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ sẽ ký hiệp ước chiến lược mới với các quốc đảo Palau và Micronesia ở Thái Bình Dương vào đầu tuần tới và kỳ vọng có động thái tương tự với Quần đảo Marshall trong những tuần tiếp theo, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về đàm phán các thỏa thuận cho biết.

Reuters dẫn lời đặc phái viên Joseph Yun cho biết, thỏa thuận Palau sẽ được ký chính thức với sự có mặt của Ngoại trưởng Antony Blinken và Tổng thống Palau Surangel Whipps Jnr tại Papua New Guinea vào ngày 22/5, trong khi hiệp ước Micronesia sẽ được ký hôm 23/5 tại Micronesia.

Quang cảnh bờ biển ở Koror, Palau ngày 5 tháng 8, 2018. Ảnh: Reuters. 
Quang cảnh bờ biển ở Koror, Palau ngày 5 tháng 8, 2018. Ảnh: Reuters. 

Các thỏa thuận nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường hỗ trợ giữa các quốc đảo Thái Bình Dương, chống lại sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Hiện vẫn còn "vướng mắc" ở phía Quần đảo Marshall. 

“Chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong chuyến thăm ba ngày tới Quần đảo Marshall và chúng tôi hy vọng sẽ ký một thỏa thuận với Quần đảo này trong những tuần tới,” ông Yun nói.

Lần đầu tiên Washington đạt được hiệp định Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) với ba quốc đảo vào những năm 1980, theo đó Washington có trách nhiệm bảo vệ và cung cấp trợ giúp kinh tế, đồng thời giành được quyền tiếp cận độc quyền đối với các vùng chiến lược rộng lớn ở Thái Bình Dương.

Việc làm mới Hiệp định này trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm cạnh tranh mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã có động thái "ve vãn" khu vực này, trong khi các công ty xây dựng và khai thác mỏ Trung Quốc đã mở rộng hoạt động kinh doanh ở nhiều quốc đảo Thái Bình Dương.

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden cũng cho biết tổng thống sẽ sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh khác của các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương trong năm nay.

Ông Yun cho biết vào tháng trước các thỏa thuận sẽ cung cấp cho ba quốc gia thuộc hiệp ước COFA tổng cộng khoảng 6,5 tỷ USD trong vòng 20 năm.

Năm ngoái, hơn 100 nhóm kiểm soát vũ khí, môi trường và các nhóm hoạt động khác đã thúc giục chính quyền ông Biden chính thức xin lỗi Quần đảo Marshall về tác động của vụ thử hạt nhân quy mô lớn của Mỹ ở đó và đưa ra mức bồi thường xứng đáng.

Cư dân đảo Marshall vẫn đang phải chịu các ảnh hưởng về sức khỏe và môi trường từ 67 vụ thử bom hạt nhân của Mỹ từ năm 1946 đến năm 1958, bao gồm cả “Castle Bravo” tại Đảo san hô Bikini năm 1954 – quả bom hạt nhân lớn nhất Mỹ từng kích nổ.