Trong cuộc thảo luận khoảng 1 tiếng đồng hồ ngày 21/3 (bắt đầu từ 2 giờ chiều) nhằm lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống đắc cử Yoon Seok-yeol - giữa Thư ký cấp cao phụ trách các vấn đề chính trị Lee của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) Cheol-hee và Chánh văn phòng Tổng thống đắc cử Jang Je-won - một lần nữa đã kết thúc mà hai bên không thống nhất được thời điểm cho cuộc gặp.
Mới 5 ngày trước (16/3), các thông báo của cả Người phát ngôn Park Kyung-mi (Nhà Xanh) và Người phát ngôn Kim Eun-hye của Tổng thống đắc cử, đều có cùng một nội dung: “Cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống đắc cử Yoon Seok-yeol, dự kiến vào ngày hôm nay (16/3), đã được dời lại do việc thảo luận giữa hai bên vẫn chưa hoàn tất.”
Nội dung thông báo ngắn gọn, nhưng tác động rất lớn. Những bản tin mang tiêu đề khiêu khích về một cuộc xung đột giữa nhóm quyền lực cũ và nhóm quyền lực mới, nhanh chóng phủ sóng trên phương tiện truyền thông. Các phóng viên báo chí đưa tin về câu chuyện, nhưng vẫn chưa biết chính xác lý do thực chất tại sao cuộc gặp lại đổ vỡ. Có vẻ như sẽ thêm một thời gian nữa thì toàn bộ câu chuyện mới được hé lộ.
Sự việc này phần nào đã được đoán trước. Không có gì ngạc nhiên khi có mâu thuẫn và xung đột giữa tổng thống đương nhiệm (vẫn còn tại vị trong gần 3 tháng nữa) và tổng thống đắc cử.
Mối quan hệ đặc biệt giữa Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in và Tổng thống đắc cử Yoon Seok-yeol hiện thêm căng thẳng. Ông Yoon Seok-yeol từng được Tổng thống Moon Jae-in cử làm Chánh văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul và Tổng công tố viên. Sau những mâu thuẫn nặng nề với Tổng thống Moon Jae-in và các cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cho Kuk và Choo Mi-ae, ông Yoon Seok-yeol đã trở thành một chính trị gia đối lập, rồi được bầu làm tổng thống kế nhiệm. Một sự kiện bất ngờ ngay cả đối với thế giới.
Các tổng thống trước đây cũng từng như vậy. Vào cuối nhiệm kỳ, mối quan hệ giữa tổng thống đương nhiệm và tổng thống đắc cử; giữa cựu tổng thống và tổng thống kế nhiệm phần lớn được quyết định bởi 3 yếu tố.
Đầu tiên, nhiệm kỳ mới chỉ là sự cải tổ của chính phủ hay sự là thay đổi chế độ? Tùy theo đó, mà quan hệ giữa 2 tổng thống ít nhất về mặt xã giao sẽ tốt hoặc xấu.
Thứ hai, mối quan hệ cá nhân giữa 2 vị. Điều này đậm nét hơn tính xã giao chung chung. Tức là tùy thuộc vào mối quan hệ cụ thể giữa hai con người và quan điểm chính trị của họ.
Thứ ba, theo thời gian thì mối quan hệ giữa hai người nói chung, có thể đi từ tốt đến xấu, và đôi khi từ xấu thành tốt. Còn trong trường hợp của các tổng thống, nhiều khả năng nó sẽ đi từ tốt thành xấu.
Vậy các tổng thống trong quá khứ đã đánh giá thế nào về những người tiền nhiệm và kế nhiệm của họ? Hầu hết tổng thống đã viết hồi ký hoặc tự truyện, tại thời điểm rất lâu sau khi họ rời nhiệm sở chứ không phải ngay sau khi họ rời nhiệm sở.
Hồi ký của Roh Tae-woo (xuất bản vào tháng 8/2011):
“Tôi đã đợi ông ấy (Kim Young-sam) vào Nhà Xanh trong 3 tháng kể từ khi ông ấy được bầu làm tổng thống cho đến khi ông nhậm chức. Tuy nhiên, ông không đến đều với lý do bận việc. Bản thân tôi trước đó cũng không đến thăm Nhà Xanh cho đến khi tôi nhậm chức sau khi được bầu làm tổng thống. Và người tiền nhiệm (Chun Doo-hwan) cũng từ chối đến thăm tôi, nhưng để tránh phiền phức ông ấy đến thăm anh rể tôi”.
Hồi ký của Chủ tịch Kim Young-sam (xuất bản tháng 2/2001):
“Thành thật mà nói, tôi không muốn Kim Dae-jung đắc cử tổng thống. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng sự thắng cử của Kim Dae-jung cũng có thể là một điều tốt. Vào ngày 20 tháng 12, tôi đã mời Tổng thống đắc cử Kim Dae-jung đến Nhà Xanh và họp vào bữa ăn trưa. Bản thân Dae-jung Kim cũng nói ông ấy nghĩ điều quan trọng nhất là được hợp tác với tôi trong tương lai.
Tuy nhiên, những gì Dae-jung Kim đã làm với tôi sau khi tôi nghỉ ngơi hoàn toàn lại trái ngược với những gì ông ấy nói. Ông ấy theo dõi, điều tra tôi và nhiều người xung quanh tôi, rồi bắt giữ một số người, trong đó có Bộ trưởng Kwon Young-hae…. Kim Dae-jung, người cứ mở miệng là nói dối, và vẫn tiếp tục “trả đũa” tôi cho đến tận bây giờ".
Tự truyện của Kim Dae-jung (xuất bản vào tháng 8/2010):
“Ứng cử viên Roh Moo-hyun được bầu làm tổng thống thứ 16. Tôi rất vui với việc thắng cử của ông. Tổng thống đắc cử Roh Moo-hyun đã đến Nhà Xanh vào ngày 23/12. Tôi đợi ở sảnh vào chính. Đó là nơi mà Tổng thống Kim Young-sam đã đợi tôi 5 năm trước. Chúng tôi đã nâng ly chúc mừng trong bữa tiệc trưa. Ông ấy là mặt trời mọc và tôi là mặt trời lặn”.
Tự truyện của Roh Moo-hyun (xuất bản vào tháng 4/2010):
“Vào ngày 28 tháng 12 năm 2007, Tổng thống đắc cử Lee Myung-bak đã đến thăm Nhà Xanh. Ông ấy nói với tôi: "Vì một nền văn hóa tôn vinh cựu tổng thống, chúng ta chắc chắn sẽ thiết lập một truyền thống như vậy". Đó không phải là điều tôi yêu cầu hoặc mong đợi. Mặc dù niềm tự hào của tôi đã bị tổn thương ngay khi tôi nghe điều đó, nhưng tôi vẫn chân thành chấp nhận và bày tỏ lòng biết ơn của mình. Thời gian trôi qua, tôi thầm mong rằng điều đó sẽ thực sự tốt đẹp như ông ấy nói. Nhưng đó không phải là một lời hứa đáng tin cậy”.
Lúc này, có vẻ như mối quan hệ của cả hai không quá tệ. Tổng thống Roh Moo-hyun có đoán được sau này Tổng thống Lee Myung-bak sẽ đối xử với ông như thế nào không?
Tổng thống Park Geun-hye không viết hồi ký hay tự truyện. Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in cũng chưa viết. Không biết hai người họ sẽ nghĩ gì về những người kế nhiệm.
Bạn nghĩ gì về mối quan hệ giữa Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in và Tổng thống đắc cử Yoon Seok-yeol sẽ phát triển như thế nào trong tương lai? Nó có thể là một sự tôn vinh đối với vị tổng thống đã bổ nhiệm ông ta (Yoon Seok-yeol) làm Tổng công tố, hoặc nó có thể là một tính toán chính trị rằng ông ấy sẽ không cần thiết lập mối quan hệ với tổng thống đương nhiệm.
Tổng thống Lee Myung-bak ban đầu cũng đã cố gắng tôn vinh cựu tổng thống tiền nhiệm. Tuy nhiên, thái độ của ông đã thay đổi khi lâm vào tình thế khó khăn về chính trị do nhập khẩu thịt bò Mỹ tăng đột biến gây phản ứng dữ dội trong nước. Họ đã biến cựu Tổng thống Roh Moo-hyun trở thành vật tế thần. Lẽ ra Lee Myung-bak thừa biết rằng cuộc điều tra của bên công tố là vô lý, nhưng ông không ngăn cản thì có vẻ như về thực chất, chính ông đã xúi giục cuộc điều tra này.
Còn Yoon Seok-yeol thì sao? Có gì khác với Tổng thống Lee Myung-bak? Ông có phải là loại người mà khi gặp khó khăn về mặt chính trị, sẽ lại biến vị cựu tổng thống tiền nhiệm của mình trở thành vật tế thần?
Chế độ đã thay đổi, nhưng người dân của chúng ta sẽ không muốn thấy các tổng thống đương nhiệm và các tổng thống kế nhiệm xung đột với nhau. Sẽ thật tuyệt vời nếu hai tổng thống Moon Jae-in và Yoon Seok-yeol có thể tận dụng cơ hội này để làm hình mẫu cho một quá trình chuyển đổi chính quyền diễn ra suôn sẻ.
* Nguyễn Chí (dịch từ bài viết của phóng viên hậu trường chính trị Sung Han-yong, Cổng thông tin điện tử Daum; báo Dong-A Ilbo)