Hình hài mới của Taliban và khoảng trống quyền lực ở Afghanistan

Đại sứ Nguyễn Quang Khai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình Afghanistan diễn biến hết sức nhanh chóng ngoài dự đoán của nhiều nhà quan sát chính trị trên thế giới.

Ngày 15/8/2021, phong trào Taliban đã chiếm Thủ đô Kabul, tuyên bố đã giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani được Mỹ ủng hộ sụp đổ, chính quyền được chuyển giao cho chính phủ lâm thời. Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn ra nước ngoài. Quân đội chính phủ tan rã và đầu hàng vô điều kiện, nhiều tướng lĩnh chạy sang các nước láng giềng. Đại sứ, các nhà ngoại giao và công dân Mỹ đã được sơ tán khỏi Afghanistan trong một cuộc di tản lớn nhất kể từ sau chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. 
Tại sao chính quyền Afghanistan sụp đổ nhanh chóng?
Cơ quan tình báo của Mỹ và Lầu Năm góc đưa ra nhận định rằng, sau khi quân Mỹ và đồng minh NATO rút, toàn bộ chính phủ Kabul sẽ sụp đổ trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, chưa đầy 1 tuần Thủ đô Kabul đã thất thủ và rơi vào tay Taliban.
 Người dân Afghanistan trên đường phố Kabul. Ảnh: AP
Tại sao một chính phủ với 350.000 binh sĩ, được huấn luyện và trang bị các loại vũ khí tốt nhất trên thế giới, lại sụp đổ nhanh chóng như vậy trước các lực lượng dân quân của Taliban với khoảng hơn 100.000 quân được trang bị các loại vũ khí kém hơn rất nhiều lần mà hầu như không có sự kháng cự nào đáng kể?
Trong 20 năm qua, Mỹ và đồng minh đã chi hơn 800 tỷ USD để trang bị và huấn luyện nhằm xây dựng một quân đội Afghanistan chính quy, hiện đại và hùng mạnh có thể đương đầu với lực lượng Taliban, nhưng đã không thành công. Tham nhũng trong hàng ngũ tướng lĩnh và chỉ huy quân đội và cảnh sát Afghanistan đã trở thành vấn nạn. Họ lập ra một “danh sách những người lính ma” để đòi được trả lương.
John F. Sepko - Tổng thanh tra đặc biệt Mỹ về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), trong báo cáo trước Quốc hội Mỹ đã bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng về tác động tàn phá của nạn tham nhũng trong các lực lượng vũ trang của Afghanistan”. Jack Watling thuộc Viện Nghiên cứu Phòng thủ Liên hợp Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết bản thân Bộ Quốc phòng Afghanistan cũng không biết chính xác quân đội mình có bao nhiêu quân.
Mặt khác, hầu hết người dân Afghanistan đều không chấp nhận sự có mặt về quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ của họ. Trước đây, quân Anh cuối thế ký 19, quân Liên Xô những năm 80 của thế kỷ trước hùng mạnh như vậy cũng không thể trụ được ở Afghanistan, buộc phải rút quân.
Afghanistan là một xã hội bộ tộc. Những người lính được đưa vào phục vụ trong quân ngũ thường được tuyển mộ ở những khu vực mà họ không có quan hệ gia đình hoặc bộ tộc. Đây là một trong những lý do tại sao một số quân đội Afghanistan tan rã, đầu hàng và bỏ vị trí của họ một cách nhanh chóng. Trong chính phủ cũng như trong quân đội, khi xảy ra chiến sự, họ không sẵn sàng bảo vệ chế độ, mà đứng về phía các bộ lạc. Chính vì vậy, khi tiến vào các hành phố, Taliban hầu như không gặp phải sự kháng cự nào do có sự dàn xếp với các tộc trưởng.
Hình hài mới của chính quyền Taliban
Taliban sẽ tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Đây là mục tiêu đấu tranh của Taliban và là tên gọi của Afghanistan trong thời gian họ cầm quyền (1996 - 2001).
Taliban đã tuyên bố sẽ không có sự trả thù đối với những người làm việc dưới chính quyền cũ. Ảnh: AP
Nhiều người lo ngại rằng, Taliban, một phong trào Hồi giáo cực đoan đã từng bị nhiều nước liệt kê vào danh sách khủng bố lên cầm quyền sẽ tìm cách trả thù những người hợp tác với chính quyền cũ, đưa Afghanistan trở lại thời kỳ họ cầm quyền, áp dụng luật Hồi giáo Shariat vô cùng khắc nghiệt. Tuy nhiên, sau khi chiếm được Kabul, Taliban đã tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội. Những người thuộc chính quyền cũ có thể tham gia chính phủ miễn là họ thề trung thành và phụng sự chính quyền mới.
Đặc biệt, Taliban đã tuyên bố sẽ không có sự trả thù đối với những người làm việc dưới chính quyền cũ. Tất cả mọi người ở đâu thì ở đấy và được đảm bảo an toàn. Những ai muốn rời khỏi đất nước đều được đảm bảo một hành lang an ninh đến sân bay. Các nhà ngoại giao nước ngoài, các đại sứ quán ở Kabul sẽ được vảo vệ.
Taliban tuyên bố, chính quyền mới sẽ không giống như chế độ Taliban trước đây. Các bệnh viện và trường học sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, phụ nữ được phép đi học và làm việc miễn là họ phải mặc áo choàng đen và che mặt. Họ có thể ra đường mà không cần phải có người nhà đi theo. Trẻ em cũng sẽ được đến trường.
Đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy chính quyền Taliban sắp tới có khả năng sẽ cởi mở hơn, đáp ứng được nguyện vọng cơ bản của người dân Afghanistan.
Các nước can dự sau khi Mỹ rút
Quyết định rút quân khỏi Afghanistan nằm trong chiến lược chung của Mỹ nhằm giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Trung Đông để chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, trong cuộc đối đầu với tham vọng bành trướng ảnh hưởng và tranh giành quyền lãnh đạo thế giới của Trung Quốc. Theo hướng này, cùng với việc rút quân khỏi Afghanistan, Washington cũng đã quyết định rút quân khỏi Iraq, rút các đơn vị tên lửa Patriot khỏi Ả Rập Xê-út, chấm dứt sự can dự vào cuộc chiến Yemen...
 Hỗn loạn ở sân bay khi người dân Afghanistan rời khỏi đất nước do lo ngại Taliban. Ảnh: News.com.au
Khả năng Mỹ quay lại Afghanistan là có thể loại trừ. Mỹ đã rút khỏi Afghanistan, sơ tán các nhà ngoại giao và công dân của mình, bỏ mặc cho chính quyền Kabul sụp đổ, Taliban lên nắm quyền, thì không ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ quay lại.
Vấn đề hiện nay là Mỹ và phương Tây phải thừa nhận thực tế tại Afghanistan, sớm hay muộn gì cũng phải quan hệ với chính quyền mới ở Kabul để giữ được vai trò và ảnh hưởng của mình trong khi các đối thủ Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan, Ấn Độ... đang tìm cách lấp chỗ trống về quyền lực tại địa bàn chiến lược này.
Mỹ và NATO rút, chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ sẽ để lại một khoảng trống về quyền lực tại Afghanistan. Các cường quốc, các nước trong khu vực đang tìm cách can dự để tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình.
Trung Quốc, mặc dù có quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani, nhưng vẫn duy trì tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Taliban. Mới đây nhất, tháng 7/2021, một phái đoàn Taliban do Mullah Baradar Akhund, lãnh đạo cấp cao của Taliban đã thăm Bắc Kinh và được đón tiếp rất nồng hậu. Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với chính quyền Taliban nhằm đảm bảo cho sáng kiến “một vành đai, một con đường” nối liền Trung Quốc - Pakistan - Afghanistan với khu vực Tây Á và Trung Nam Á. Mặt khác, quan hệ với Taliban, Trung Quốc sẽ thực hiện được rất nhiều dự án đầu tư tái thiết Afghanistan, và ngăn chặn Kabul cho phép người Duy Ngô Nhĩ sử dụng Afghanistan làm căn cứ tiến hành các hoạt động nhằm vào khu tự trị Tân Cương.
Nga, mặc dù vẫn coi Taliban là tổ chức khủng bố và bị cấm ở Nga, nhưng Moscow đang tìm cách thiết lập quan hệ chính thức với Taliban, để mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Nam Á và đảm bảo an toàn cho biên giới phía Nam. Từ đầu năm đến nay, Nga đã tiếp nhiều phái đoàn của Taliban, trong đó có quan chức cao cấp TalibanmMogammad Abbas Stanikzai. Ngày 17/8/2021, Đại sứ Nga tại Kabul Dmitry Chirnov đã gặp điều phối viên của Taliban.
Iran và Pakistan có chung đường biên giới với Afghanistan, các nước Ả Rập Hồi giáo như Qatar, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)... vốn đã có mối quan hệ với Taliban do có chung tôn giáo, nay Mỹ và NATO rút sẽ là cơ hội để các nước này thắt chặt hơn quan hệ với chính quyền mới ở Kabul.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai là nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Trong 37 năm công tác, ông đã làm việc tại nhiều nước Trung Đông, là Đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và UAE.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần