[Hỗ trợ khách hàng - chia sẻ và sống còn của ngân hàng] Bài cuối: Lý tình và bàn cân lợi ích rủi ro

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng có thể dùng lý hoặc thông qua các quy định để từ chối và giải thích về chính sách hỗ trợ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng do dịch Covid-19. Nhưng khách hàng chỉ mong ngân hàng chia sẻ nhiều hơn. Tuy nhiên việc hỗ trợ khách hàng nhiều hơn thì “nồi cơm” của ngân hàng tất yếu sẽ lưng hơn. Ai cũng biết quan hệ giữa ngân hang và khách hàng là thứ quan hệ cộng sinh. Vậy ngân hàng không chia sẽ nhiều hơn để cứu khách hàng lúc này thì lúc nào nữa?

Việc hỗ trợ của ngân hàng là cần thiết giúp cho doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: Phạm Hùng
Các ngân hàng đang hỗ trợ khách hàng ra sao?
Những tháng qua dù nghỉ luân phiên do hoạt động “3 tại chỗ”, hay đóng cửa để chống dịch Covid-19, thì 100% nhân viên và cán bộ quản lý ngân hàng vẫn luôn ngồi trước máy tính và chiếc điện thoại để làm việc liên tục. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang được các ngân hàng tập trung dồn sức triển khai, bắt đầu xử lý hồ sơ tích cực, theo quy chế nội bộ.

Thực tế qua thông tin cho thấy, vẫn còn một số ngân hàng triển khai chậm, mức hỗ trợ còn quá thấp. Hiện các ngân hàng đều tập trung xử lý cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng trên diện rộng. Khách hàng có đơn yêu cầu là ngân hàng giải quyết, theo trao đổi với nhân viên tín dụng tại một chi nhánh ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng áp thời gian cơ cấu chỉ 3 tháng là quá ngắn. Với thời gian đó có lẽ đa số khách hàng sẽ rơi vào vòng xoáy nợ nần mới. Như nói ở bài 2, nếu khách hàng xin cơ cấu lại thời hạn nợ lần 2, đương nhiên khoản nợ đó là nợ nhóm 4 rồi. Cách xử lý đó đã không nhìn vào hệ lụy khó khăn do dịch bệnh chắc chắn kéo dài sang năm 2022.

Trong khi có ngân hàng chỉ xét cơ cấu thời hạn nợ đối với nợ trung dài hạn, còn nợ ngắn hạn bị từ chối. Điều đáng nói, từ chối không cho cơ cấu lại nợ nhưng nhân viên ngân hàng lại gợi ý cho vay bổ sung món mới đủ để trả nợ. Số tiền cho vay đó được treo trên tài khoản tiền gửi của khách hàng trả nợ dần đến hạn. Thực chất đây là cho vay nợ mới để trả nợ cũ chính ngân hàng cho vay, vi phạm quy chế cho vay tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Về lý việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng Thông tư 14 của NHNN không quy định mức phần trăm tổi thiểu bao nhiêu, có nghĩa tùy tâm/thiện chí của mỗi ngân hàng. Cho nên, trong khi khách hàng đang mong ngân hàng giảm lãi cho họ từ 1-2%/năm thì các ngân hàng chỉ giảm lãi phổ biến từ 0,1- 0,5%/năm. Đã có khách hàng nhân viên ngân hàng gợi ý được giảm lãi 0,1- 0,2% nhưng họ từ chối, vì cho rằng giá trị không đáng kể so với thiệt hại hiện hữu. Đương nhiên cũng đã xuất hiện một vài ngân hàng cổ phần tư nhân thực hiện giảm lãi cho khách hàng trên mức 0,5%/năm, chẳng hạn Eximbank giảm lãi đến 0,6%/năm.

Phải tính đường xa

Bài tính cứu nền kinh tế và đưa nó có thể vực dậy vào năm 2022 trong trạng thái bình thường mới rõ ràng cần có gói kinh tế tổng hợp đủ lớn chứ không thể riêng gói hỗ trợ bằng chính sách tín dụng. Riêng gói hỗ trợ tín dụng, mục tiêu “cứu khách hàng” chỉ là tên gọi vì nó tác động trực tiếp, mà nên nhớ bản chất phải tên gọi “cứu ngân hàng”. Cho nên việc triển khai chính sách không phải ngân hàng ban ơn cho khách hàng, mà chính ngân hàng phải trả ơn cho khách hàng. Một lẽ đơn giản, khách hàng “chết” ngân hàng còn “sống” không?

“Trả ơn” xuất phát từ nặng tình chứ không còn lý gì ở đây nữa. Việc một số ngân hàng chỉ giảm lãi cho khách hàng khó khăn với mức cho có một vài phần trăm là không nên, và mang tính chất đối phó chỉ đạo của NHNN. Ngoại trừ cách hạch toán riêng của ngân hàng tạo lợi nhuận giả hàng quý (như đề cập ở bài 1), thì lợi nhuận hàng năm được ghi nhận thực tế của ngân hàng đang thuộc tốp đầu. Ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để giảm lãi phạm vi rộng hơn và sâu hơn nữa. Mức bao nhiêu đương nhiên không có công thức chung vì còn tùy thuộc năng lực tài chính của từng ngân hàng.

Từ 3 - 4 tháng nay sản xuất, kinh doanh đình đốn/đóng băng, phần lớn nguồn tiền của DN, người dân có tài khoản tại ngân hàng đã dồn trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại các ngân hàng. Chưa có báo cáo tài chính quý 3 của ngân hàng nên chưa có thông tin ghi nhận thực tế, nhưng CASA của các ngân hàng đều tăng nhiều. Do CASA tăng nên biên lợi nhuận – NIM (khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân) của ngân hàng sẽ tăng mạnh. Đây là cơ sở cho các ngân hàng giảm lãi nhiều hơn.

Các ngân hàng tạm quên đi sự sòng phẳng trong lý thuyết kinh tế thị trường, chấp nhận hy sinh lợi nhuận nhiều hơn để cứu khách hàng. Bài toán ước tính khoảng 70% trên tổng số khoảng 10 triệu tỷ đồng (tổng dư nợ nền kinh tế) thuộc diện nợ cần hỗ trợ, nếu các ngân hàng hy sịnh 70 nghìn tỷ lợi nhuận năm 2021(chiếm khoảng 35 - 40%) thì khách hàng có cơ hội được giảm lãi 1% tính bình quân.

Cơ cấu lại thời hạn nợ trong thời gian 3 tháng làm sao phần lớn DN có dòng tiền trả dồn trong các tháng tiếp theo. Thậm chí sẽ có nhiều DN cho thời gian cơ cấu nợ đến 6 tháng vẫn khó khăn trong việc xoay xở nguồn tiền trả nơ. Tại đây các ngân hàng phải tính tránh được câu chuyện nhảy cóc nhóm nợ nguy hiểm như đã đề cập ở bài 2. Rõ ràng nhiều khoản nợ của khách hàng sẽ rơi vào nguy cơ đó. Nợ chồng nợ là nguy cơ “cục máu đông” nợ xấu ngân hàng phải nhìn thấy, chứ không thể xử lý nợ theo kiểu “cắt áo vá vai” được.

Không thể không đặt ra vấn đề buộc phải khoanh nợ cho những khoản nợ của các DN ảnh hưởng quá nặng nề do dịch covid-19. Vấn đề này đương nhiên phải có bàn tay của NHNN. Thiết nghĩ NHNN nên nghiên cứu, đề nghị Chính phủ có Nghị quyết về chủ trương khoanh nợ này một cách thích hợp. Chỉ cho khoanh nợ mới có lối thoát để số DN này tiếp tục được vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.