Tên tuổi của nhạc sĩ Hồng Đăng đã “định vị” trong lòng người Hà Nội, đặc biệt với nhạc phẩm “Hoa sữa” do ông sáng tác. Với những đóng góp và nhiều tâm huyết dành cho Hà Nội, ngày 28/10 tên tuổi của nhạc sĩ Hồng Đăng đã chính thức được vinh danh ở hạng mục giải thưởng Lớn - hạng mục quan trọng nhất của giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2021.
Gần hai chục năm nay, hễ cứ alo và ông rỗi thì Lê Anh Thúy- phu nhân của ông lại đèo ông trên chiến xe máy cũ kỹ phóng vèo ra. Thôi thì đủ chuyện trên trời dưới đất. Anh em bạn bè hay nói vui với ông “Cái được lớn nhất của nhạc sĩ Hồng Đăng chưa hẳn đã là sự nghiệp âm nhạc, mặc dù, về âm nhạc, ông là một tài năng lớn: 15 tuổi đã được thừa nhận và trãi qua nhiều thăng trầm, cho đến hôm nay ông vẫn là một trong những đỉnh cao của nền âm nhạc nước nhà (xét về sự cống hiến), mà là có được một người phụ nữ - vừa là vợ, là người bạn tâm giao của ông - chị Lê Anh Thúy.
“Cả cuộc đời ông ấy chỉ biết sáng tác âm nhạc, không hề biết nấu ăn, rửa bát, quét nhà. Vợ cho gì ăn nấy, không biết đòi hỏi”- Lê Anh Thúy nói. Giờ đây, khi ở tuổi gần 90, sức khỏe yếu dần (mà thực ra đã từ lâu rồi) bà chăm ông rất tận tình: Ăn cũng bà, thuốc men cũng bà, phục vụ cũng bà, nằm viện cũng bà, vui chơi với bạn bè cũng bà.
Mấy năm gần đây ông đi lại khó khăn, chiều lòng ông (và hiểu rõ ông) thiếu gì chứ không thể thiếu bạn bè, nên bà quyết định mở một quán caphe tại nhà để làm nơi tiếp bạn bè thập phương. Hôm đặt tên cho quán bà “tham khảo” bạn bè. Tôi nói vui: Bà cứ đặt tên là “Caphe Đăng”, hay “Hoa sữa” đi! Bà bảo: Thôi, cái món “ăn uống” không nên đụng đến danh tính và cái thần âm nhạc của ông ấy. Vì vậy “Cà phê Thúy” ra đời”.
Trong cuộc đời sáng tác của mình nhạc sĩ Hông Đăng để lại một khối tài sản âm nhạc khồng lồ: hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: Ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Đặc biệt, ông đã sáng tác nhạc được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: “Lênh đênh”, “Nỗi nhớ đêm đại dương” (phim “Những hạt muối của biển”), “Biển và cô gái tôi chưa quen” (phim “Những ngôi sao nhỏ”), “Không gian xanh” (phim “Vùng trời”)... và ông cũng đã đào tạo ra không ít những lớp học trò mà không ít người trong số họ hiện đang ở đỉnh cao của làng âm nhạc nước nhà.
Ông tên thật là Hồng, thuộc dòng họ Phan Đăng nổi tiếng vùng xứ Nghệ. Bác ông là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Nhà ông là nơi mà các chiến sỹ cách mạng bạn ông Phan Đăng Lưu hay lui tới. “Vì quê tôi có núi Hồng Lĩnh nên mới đặt cho tôi là Hồng. Còn cô em gái tôi được đặt tên là Lam. Núi Hồng, sông Lam mà. Ông cụ cũng giải thích ý nữa Hồng Đăng là con chim Hồng bay lên. Nhưng khi cắp sách tới trường tôi bị bạn bè trêu là có tên như của con gái, nên tức chí mới đòi ông cụ đổi tên là Đăng”- nhạc sĩ từng kể.
Tuy là người xứ Nghệ nhưng ông lại thành danh trên đất Thủ đô. Và, để trả ơn cho cho mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc của mình ông đã để lại cho Hà Hội một ca khúc trở thành biểu tượng của Thủ đô; Hoa sữa!
“Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm…”: Khi lời ca cất lên những người con Việt đi xa đều nhớ về Hà Nội, mặc dù hoa sữa giờ đây không chỉ là “đặc sản” của Hà Nội.
Người Việt ở mọi miền cả đất nước một thời mê hoa sữa đến mức “nhà nhà” trồng hoa sữa, “người người” trồng hoa sửa, nhiều địa phương rồi đã phải chặt phá đi các cây hoa sữa vì cái mùi quá nồng nàn của nó!
Nhạc sĩ kể với tôi: Đâu cũng trách tại bài Hoa Sữa của anh mà khắp nơi trồng, khốn nỗi trồng rồi nồng nặc quá cũng có dễ chặt đâu. Ông cười. Nước hoa dù thơm đến mấy, nhưng nếu đổ cả lọ lên người thì không ai chịu nổi thật. Hoa sữa cũng vậy. Ở Hà Nội ngày trước cứ cách hàng trăm mét người ta mới trồng một cây và vì vậy vào mùa hoa, ban đêm chỉ thoang thoảng hương hoa sữa ngọt ngào.
Cái gì cũng có lịch sử của nó. Ca khúc “Hoa sữa” nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng cũng vậy. Chúng ta hãy nghe chính nhạc sĩ từng kể lại: “Bà Đức Hoàn đến đặt tôi viết nhạc cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” và yêu cầu có ca khúc về tình yêu của đôi nam nữ Hà Nội.
Nhận xong rồi 2-3 tháng sau, khi bộ phim đi vào những cảnh quay cuối cùng tôi vẫn chưa viết được chữ nào. Một hôm bà Hoàn đến hỏi: “Thế nào, anh đã viết xong chưa?”. Khi ấy một anh bạn là nhà thơ Hương Trâm mách nước cho tôi: “Hà Nội có loài hoa sữa mùa thu mới nở, mùi thơm đặc biệt lắm”. Tên hoa sữa nghe là lạ. Thế là bài “Hoa sữa” ra đời. Người đầu tiên hát bài này là Lê Dung. Sau đấy ca khúc trở nên nổi tiếng và rất nhiều người hát và cũng hát rất thành công như Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương… Từ đấy hoa sữa đi vào lòng người như là loài hoa của tình yêu. Thú thực phải mấy chục năm sau tôi mới biết hoa sữa thế nào”.
Thực ra thì nhạc sĩ Hồng Đăng còn có một ca khúc rất nổi tiếng nữa và cũng “rất Hà Nội”: “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” được ông sáng tác vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước. khi ông chứng kiến sinh viên Thủ đô "xếp bút nghiên lên đường ra trận". Trong cái hào khí hừng hực cùng khung cảnh mùa hè với tiếng ve râm ran khắp phố, trong ông dâng trào cảm xúc và cứ thế “Tiếng ve đu cành sấu/ Tiếng ve náu cành me/ Tiếng ve vẫy tuổi thơ/ Tiếng ve chào mùa hè...” ra đời.
“Tôi đến với âm nhạc như là một tiền định. Từ năm 11- 12 tuổi tôi đã “hoạt động nghệ thuật”: đóng kịch, làm thơ, ngâm thơ, đọc thơ, diễn thuyết... Thế rồi đột nhiên tôi lại thấy mình yêu âm nhạc một cách mãnh liệt. Khi ấy trong trường học của tôi có một cậu biết chơi ghi ta nhưng rất khệnh khạng vì cho rằng chỉ có mình là nhạc sỹ.
Tôi đến mượn anh ta tập tài liệu để xem âm nhạc là thế nào, nhưng anh ta nhất quyết không cho. Tôi bực quá mới đi bộ một mạch 60 km về Vinh mượn được một tập tài liệu cũ của Pháp về âm nhạc. Về nhà tự học và sau đó mở một lớp dạy nhạc. Từ đấy trở đi tự nhiên tôi nhận ra rằng mình có năng khiếu về âm nhạc và bắt đầu sáng tác âm nhạc. Bài đầu tiên tôi làm là “Đời học sinh”. Tiếp đến là bài “Nhớ ơn Cụ Hồ”. Người đầu tiên hát bài này là nghệ sỹ Tân Nhân. Năm đó tôi tròn 15 tuổi. Đó là giai đoạn tôi vừa mày mò vừa sáng tác. Sau này tôi học khóa Sáng tác đầu tiên của trường nhạc cùng với Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Huy Thục, Tô NGọc Thanh... được theo học nhiều chuyên gia, trong đó phần lớn là các nhạc sỹ nước ngoài”- nhạc sĩ Hồng Đăng kể.
Có thể nói giai đoạn 1957- 1962 là giai đoạn bột phát rực rỡ nhất của Hồng Đăng. Ông là một trong những hội viên trẻ nhất của Hội nhạc sĩ Việt Nam (Hội thành lập năm 1957), nhưng lại có những tác phẩm nổi tiếng nhất thời bấy giờ như “Đường đi qua nắng mặt trời” ca ngợi Đảng, “Tổ quốc tôi trong 10 năm đã lớn”, rồi thì “Quà tháng năm”...
Ông viết nhiều và thử sức trên nhiều thể loại: Thanh nhạc, khí nhạc, thanh xướng kịch, hợp xướng... Ông là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào hội Điện Ảnh Việt Nam. Ông đi nhiều, viết nhiều: Âm nhạc, viết sách giáo khoa, viết báo và là Tổng biên tập duy nhất không phải đảng viên lúc bấy giờ.
Cuộc sống riêng tư cũng như con đường âm nhạc của ông lắm nỗi gập ghềnh, trắc trở. Nhưng rồi cái “thời xa vắng” ấy cũng qua nhanh. Mọi giá trị của cuộc sống quay trở lại với vị trí mà nó vốn có. Đối với nhạc sĩ Hồng Đăng cũng vậy. Ông lại tiếp tục sống, sáng tác, vui với bạn bè, và “Hoa sữa lại vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm”.
11:00 14/11/2021