Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị hòa bình Ukraine "vật vã" tìm khe cửa hẹp

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 160 quốc gia đã được mời đến thảo luận về các điều kiện hòa bình của Ukraine tại một khu nghỉ dưỡng gần Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 15-16/6.

Các nhà ngoại giao đang tập trung vào một loạt mục tiêu để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tới đây về kế hoạch hòa bình của Ukraine tại Thụy Sĩ, nhằm đảm bảo Trung Quốc và các quốc gia khác thuộc Nam bán cầu tham dự hội nghị. 

Người dân bên ngoài một tòa nhà bị hư hại ở Donetsk, Ukraine do Nga kiểm soát, ngày 11/5. Ảnh: AFP
Người dân bên ngoài một tòa nhà bị hư hại ở Donetsk, Ukraine do Nga kiểm soát, ngày 11/5. Ảnh: AFP

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 13/5 khẳng định với tạp chí Stern rằng các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị sẽ đề cập đến sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, xuất khẩu ngũ cốc, trao đổi tù nhân...

“Không ai nên kỳ vọng quá mức. Chúng tôi không đàm phán về việc kết thúc chiến tranh ở đó,” Thủ tướng Đức cho biết. 

Mặc dù vậy, vẫn chưa chắc chắn liệu nỗ lực tiếp cận cộng đồng của Hội nghị có thành công hay không. Hơn 160 quốc gia đã được mời đến thảo luận về các điều kiện của Ukraine tại một khu nghỉ dưỡng trên núi gần Lucerne, Thụy Sĩ, vào ngày 15-16/6. Tuy nhiên, triển vọng tham dự của các bên ngoài những đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn chưa rõ ràng.

Để đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi hơn, Đức và các đồng minh khác của Ukraine đang lôi kéo các nhà ngoại giao ở Nam bán cầu đồng thuận về một văn bản khả thi tập trung vào các nguyên tắc then chốt của Liên hợp quốc và các vấn đề cơ bản khác như trao trả trẻ em bị trục xuất về Ukraine, trao đổi tù nhân, an ninh hạt nhân và lương thực, theo nguồn thạo tin của Bloomberg. 

Tuy nhiên, những điểm này không phù hợp với kế hoạch hòa bình của Ukraine, trong đó kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, việc Nga rút quân cũng như đảm bảo an ninh trong tương lai của nước này.

Đặc biệt, sự hiện diện của Trung Quốc được coi là quan trọng cho sự thành công của cuộc họp, do các nhà ngoại giao đánh giá cao ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Moscow kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Nhóm G7 và Liên minh châu Âu đang tăng cường nỗ lực để đảm bảo sự tham gia của các quốc gia từ Brazil, Nam Phi đến Indonesia. Đặc biệt, Italia đã được yêu cầu thuyết phục Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi ủng hộ sáng kiến này, trong khi Nhật Bản đang đàm phán với Brazil. 

Mặt khác, Bắc Kinh và các quốc gia Nam bán cầu lớn khác đang nỗ lực lôi kéo Nga vào quá trình này. Ukraine và các đồng minh tin rằng điều đó chỉ có thể xảy ra một khi khuôn khổ các nguyên tắc chính của bất kỳ giải pháp hòa bình nào được thiết lập, với những gợi ý ban đầu rằng một hội nghị hòa bình có thể diễn ra ở vùng Vịnh.

Tuy nhiên, một trong những mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh là thảo luận về cách Nga có thể tham gia vào tiến trình hòa bình thực sự trong tương lai, một nguồn tin cho biết.

Trước hội nghị Lucerne đã diễn ra nhiều vòng họp cấp thấp hơn. Tại cuộc họp gần đây nhất diễn ra ở Doha vào cuối tháng 4, các cố vấn an ninh quốc gia và quan chức cấp cao đã không đạt được nhiều tiến bộ, làm dấy lên nghi ngờ khả năng đạt được sự đồng thuận về bất cứ điều gì ngoại trừ một chương trình nghị sự rất hẹp.

Thủ tướng Scholz là một trong số ít nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới cho đến nay đã xác nhận tham gia hội nghị thượng đỉnh Thụy Sĩ, cùng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.