Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm

Lệ Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau giai đoạn vắng bóng trong đời sống của Nhân dân, tưởng rằng, nghệ thuật hát xẩm đang dần bị rơi vào quên lãng, thì ở đâu đó, vẫn có những người đang ngày ngày cố gắng “hồi sinh” và phát triển loại hình biểu diễn này.

Câu lạc bộ Hát xẩm đầu tiên của người khiếm thị

Căn phòng nhỏ chừng vài chục mét vuông ở phố Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy (Long Biên) là nơi sinh hoạt, trao đổi chuyên môn định kỳ mỗi sáng thứ Bảy của Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt. Ở mỗi buổi sinh hoạt như vậy, ông Trần Văn Hoan là người đóng vai trò phụ trách chung về chuyên môn, vừa là người hướng dẫn, truyền dạy cho các học viên trong câu lạc bộ của mình.

Ông Hoan kể, câu lạc bộ hát xẩm của ngày nay là kết quả của lớp hát xẩm xưa do nghệ nhân Đào Bạch Linh quản lý. Với quan niệm rõ ràng, “hát xẩm của người mù thì phải trở về với người mù”, vì vậy nghệ nhân Đào Bạch Linh đã không quản ngại đường xá xa xôi lên Hà Nội hướng dẫn mọi người học xẩm.

“Sau khi lớp học xẩm kết thúc, mấy anh em thầy trò ngồi trao đổi với nhau, nếu như không thành lập câu lạc bộ về dòng nhạc này thì cho dù học thêm bao nhiêu, kiến thức cũng sẽ trôi tuột đi” – ông Hoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt chia sẻ về lý do ra đời câu lạc bộ hát xẩm đầu tiên cho người khiếm thị ở Hà Nội.

Nung nấu suy nghĩ đó, năm 2020, Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt được thành lập với sự hướng dẫn chuyên môn của Nghệ nhân Dân gian Đào Bạch Linh, một trong những truyền nhân của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Thời điểm mới thành lập, mọi điều kiện còn khó khăn, ông Trần Bình Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mái ấm Đông Đô đã đồng hành và hỗ trợ về địa điểm cũng như dụng cụ tập luyện cho cả nhóm. Đây được xem là câu lạc bộ hát xẩm cho người khiếm thị đầu tiên ở Hà Nội.

Căn phòng nhỏ là nơi sinh hoạt của các thành viên Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt

Trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, các thành viên trong câu lạc bộ vẫn giữ lịch sinh hoạt đều đặn. Thời điểm giãn cách, cả nhóm trao đổi, gửi lại liệu cho nhau trực tuyến, khi dịch bớt căng thẳng, cả nhóm lại hội tụ với nhau để tránh việc rơi rụng kiến thức.

Sau 2 năm, đến nay, Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt đã có tổng 18 thành viên. Trong đó, 7 thành viên là người khiếm thị. Tuy khiếm thị, nhưng các thành viên này đều có đủ khả năng để đi biểu diễn và phục vụ Nhân dân - những người yêu xẩm.

Đều đặn một tuần hai buổi tối thứ 6 và Chủ nhật, các thành viên trong Câu lạc bộ Hát xẩm khiếm thị Tâm Việt đều biểu diễn phục vụ khán giả tại đình Kim Ngân, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra, Câu lạc bộ còn đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng thông qua nhiều hoạt động liên hoan văn hóa, nghệ thuật, sự kiện mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm…

Người trẻ hào hứng với nghệ thuật hát xẩm

Là sinh viên năm 2 của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đức Thiện là một thành viên trẻ, hiện đang giữ vai trò Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt. Nói về cơ duyên đến với xẩm, Thiện kể, anh có cơ hội được tiếp xúc với âm nhạc từ khi còn học cấp 2.

Mặt khác, Thiện sống xa bố mẹ từ năm 7 tuổi, mỗi khi nghe được tiếng đàn tranh, đàn bầu, đặc biệt là tiếng sáo trúc ngân lên, bản thân anh cảm thấy ấm áp, nỗi nhớ nhà trong anh khi đó cũng vơi đi phần nào. Đây cũng là lý do thôi thúc Thiện lựa chọn và theo đuổi âm nhạc truyền thống.

Những năm trước, Thiện là một trong những thành viên đầu tiên của lớp xẩm (tiền thân của Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt). Thiện may mắn hơn các thành viên khác trong lớp ở chỗ, bản thân anh có điều kiện học tập và được tiếp cận với âm nhạc truyền thống từ trước, nên anh thường chia sẻ lại những kiến thức đã được học với các thành viên trong câu lạc bộ.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt chỉ dự định mở lớp dạy đàn và hát xẩm cho khoảng 5-6 học viên. Các thành viên tham gia lớp học không chỉ là người khiếm thị mà người bình thường cũng hoàn toàn có thể học được.

Bên cạnh vấn đề chuyên môn, việc mở lớp hát xẩm cũng khiến Thiện trăn trở nhiều thứ. Từ kinh phí duy trì, phương tiện đi lại cho đến học phí các thành viên trong câu lạc bộ và học viên tham gia. Tuy nhiên, các thành viên đều quyết tâm và mong muốn lan toả những giá trị nghệ thuật đến các thể hệ tiếp theo, để hát xẩm sớm trở về với nghề của người khiếm thị và đi sâu vào đời sống của Nhân dân.

Tham gia câu lạc bộ với vai trò là ca sĩ chính, Thảo Xuân (sinh viên ngành truyền thông, ĐH Quốc tế Amerity Việt Nam) mong muốn được hướng đến các hoạt động cộng đồng. Ở câu lạc bộ, Thảo Xuân còn có vai trò là gõ phách. Việc gõ phách làm sao cho chắc nhịp và đều tay là điều rất quan trọng và khiến Xuân phải luyện tập nhiều.

Thảo Xuân trong một buổi biểu diễn tại phố Hàng Bạc
Thảo Xuân trong một buổi biểu diễn tại phố Hàng Bạc

“Khi tham gia câu lạc bộ, mình cảm thấy bản thân có niềm đam mê hơn với bộ môn nghệ thuật này. Lối hát xẩm rất mộc mạc, không quá mang tính kỹ thuật. Chính điều đó khiến cho đôi khi bản thân mình vẫn bị nhầm lẫn giữa xẩm với các loại hình nghệ thuật khác”, Xuân nói.

Còn theo ông Hoan, hát xẩm quan trọng nhất là thẩm âm, bởi vì hát xẩm nó mộc mạc, đòi hỏi sự chú tâm, không lai tạp thể loại âm nhạc khác. Ngoài ra, xẩm cũng có lúc vay mượn từ ca trù, chèo, nhưng không thể hòa tan, đặc biệt, ngoài thẩm âm ra thì việc phát âm, nhả chữ cũng cần được chú trọng.

“Ở đây có thuận lợi là các bạn đều có trình độ âm nhạc, mắt của các bạn tuy không nhìn thấy nhưng thính giác rất phát triển. Cái khó là các bạn hát nhiều thể loại nhạc như hát chèo, trầu văn, nhạc trẻ, nhạc cách mạng,... Chính vì vậy sự chắt lọc là quá trình rất kỳ công”.

Thời kỳ đầu, đàn bầu là nhạc cụ chính được sử dụng. Tuy nhiên, đàn bầu khi gẩy lại cho ra âm lượng hạn chế. Ngoài ra, đàn bầu được đánh giá chung là khó học, khó chơi. Bởi vậy, không phải nhóm hát xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu khi học tập và biểu diễn.

Theo thời gian, mỗi nhóm biểu diễn hát xẩm thường phải có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh. Đôi khi cũng chỉ cần một cây đàn nhị và cỗ phách đơn, hay cặp sênh là đủ. Khi trình diễn, bên cạnh người hát chính, những người còn lại có nhiệm vụ chơi nhạc cụ đệm, hoặc hát đỡ khi cần.

Cách gọi tên các bài Xẩm vô cùng đa dạng. Từ những nhân vật lịch sử, nhân vật trữ tình, những thói hư tật xấu đều có thể trở thành tên của bài Xẩm. Lời ca trong hát Xẩm không chỉ phong phú về thể loại như thơ, ca dao, tục ngữ, mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý và những lời răn dạy đạo lý ở đời.

Bên cạnh việc ngợi ca tình yêu nước, công cha nghĩa mẹ, những vấn đề của xã hội hiện đại cũng đã được đưa vào những ca từ của xẩm. Dù nội dung về tình yêu hay đề tài xã hội khác, đều được các nghệ nhân hát xẩm truyền đạt một cách hóm hỉnh, dễ nghe và dễ nhớ.

Không chỉ là loại hình biểu diễn dân gian dành cho giới bình dân, hát xẩm còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật cao, được giới trí thức yêu thích. Ngày nay, hát xẩm đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thường biểu diễn để phục vụ khách du lịch.

Có dịp ra Hà Nội công tác vài hôm, chị Võ Xoan (TP Hồ Chí Minh) dành cho mình chút thời gian buổi tối Chủ nhật để lang thang phố cổ. Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) là nơi níu chân chị lâu nhất. “Tôi vốn là người gốc Bắc, khi vô tình nghe những lời ca xẩm này cảm giác trong tôi khó tả vô cùng. Giai điệu chậm rãi, khoan thai, khi trầm, khi bổng cứ vậy thu hút tôi ngồi lại đây lắng nghe mọi người biểu diễn”, chị Xoan bộc bạch.

Các thành viên trong Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt biểu diễn phục vụ khán giả tại Đình Kim Ngân (Hàng Bạc)

Là người hết lòng vì xẩm, ông Trần Văn Hoan cũng như các thành viên trong Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt luôn đau đáu, mong rằng xẩm sẽ được nhiều người biết đến hơn, và câu hát xẩm sẽ lại làm vui, làm đẹp cho cuộc sống người dân mỗi ngày, góp sức vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.