Kết nối công khai quy trình chế biến để phụ huynh giám sát
Ngày 13/9, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đan Phượng đã kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Trường Mầm non huyện và Trường Mầm non thị trấn Phùng.
Trường Mầm non huyện Đan Phượng hiện có 255 học sinh, trong đó duy trì thường xuyên khoảng 220 suất ăn bán trú hàng ngày. Tại thời điểm kiểm tra, nhà trường đang thực hiện quy trình giao nhận thực phẩm, sơ chế, chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.
Đoàn kiểm tra ghi nhận, khu vực bếp chế biến thực phẩm của nhà trường sạch sẽ; trường đã xây dựng quy trình giao nhận thực phẩm, cung cấp được một số hồ sơ, giấy tờ theo yêu cầu của Đoàn. Đoàn cũng lấy mẫu test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với rau ngót, cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên, Đoàn cũng nhắc nhở nhà trường khắc phục, bổ sung một số hồ sơ, giấy tờ theo quy định.
Tại Trường Mầm non thị trấn Phùng, Đoàn kiểm tra đánh giá, nhà trường đã xây dựng và thực hiện quy trình giao nhận, chế biến thực phẩm khoa học, nghiêm túc; có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Đoàn cũng lấy mẫu test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với mẫu cà chua tại bếp ăn nhà trường, cho kết quả âm tính.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Phùng Nguyễn Thị Phan Anh cho biết, nhà trường có 410 cháu, 17 nhóm lớp (trong đó có 12 nhóm lớp mẫu giáo và 5 nhóm nhà trẻ). Mỗi ngày bếp ăn nhà trường phục vụ khoảng 380 – 390 suất ăn cho trẻ, đáp ứng thực đơn khẩu phần tiêu chuẩn phù hợp với từng lứa tuổi.
Hàng năm, nhà trường đều xây dựng quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, phân công rõ nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, thực hiện theo quy trình các bước. Nhà trường tổ chức các cuộc họp đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm bảo đảm hồ sơ pháp lý cũng như chất lượng thực phẩm. Đồng thời rà soát trang thiết bị và nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&DT, ngành, xây dựng thực đơn bảo đảm về lượng cũng như chất dinh dưỡng cho trẻ.
Đặc biệt, năm học vừa qua, nhà trường đã đầu tư hai hệ thống lọc nước RO tổng trị giá 500 triệu đồng, bảo đảm nguồn nước sạch chế biến thức ăn cũng như nguồn nước cho trẻ uống hàng.
“Quy trình giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia thức ăn tổ chức ăn trên lớp đều được nhà trường kết nối camera công khai để phụ huynh giám sát và yên tâm. Toàn bộ nguồn thực phẩm đã được các đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm tra định kỳ, đột xuất để khắc phục kịp thời. Trong những năm học vừa qua, Trường Mầm non thị trấn Phùng không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường” - Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Phùng Nguyễn Thị Phan Anh cho biết thêm.
Chú trọng truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Toàn huyện Đan Phượng có 55 trường học công lập, trong đó, mầm non 19 trường, tiểu học 20 trường, THCS 16 trường. Hệ thống bếp ăn tập thể của các trường công lập có tổ chức ăn bán trú đều được bố trí trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng cung cấp suất ăn cho gần 35.000 học sinh; 100% cơ sở giáo dục đều ký cam kết, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm...
Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức – Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đan Phượng cho biết, ngay sau khi có Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 11/7/2024 của UBND TP Hà Nội về Chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn TP Hà Nội”, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành Kế hoạch 216/KH-UBND về bảo đảm ATTP trong và ngoài trường học. Đồng thời huyện ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, chú trọng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
“Qua kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm cũng như các trường học, Đoàn kiểm tra ghi nhận các trường đã có quy trình tiếp nhận thực phẩm đầu vào cũng như kiến thức về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ chế biến, cô nuôi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thường xuyên kiểm tra đột xuất, định kỳ trong đó chú trọng kiểm tra đột xuất nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm đầu vào luôn đạt chất lượng” – ông Hoàng Minh Đức cho biết.
Được biết, trong năm học 2023 - 2024, các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng đã tổ chức thẩm định và đánh giá 21 cơ sở cung cấp thực phẩm, suất ăn sẵn, nước uống đóng bình, chai, các sản phẩm từ sữa.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thanh Hải cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 19 trường mầm non, trong đó 100% trường tổ chức bán trú; cấp tiểu học có 20 trường, trong đó 15 trường tổ chức bán trú.
Theo bà Bùi Thị Thanh Hải, bảo đảm ATTP được ngành giáo dục huyện xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng vì liên quan đến sức khỏe của học sinh. Phòng GD&ĐT căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, UBND TP, Sở GD&ĐT, UBND huyện Đan Phượng đã triển khai chỉ đạo các nhà trường triển khai nghiêm túc công tác này, tập trung vào lựa chọn thực phẩm bảo đảm an toàn, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường xây dựng thực đơn hợp lý cho học sinh, cân đối định lượng thức ăn, chế biến ngon để trẻ ăn hết suất, nâng cao thể lực, sức khỏe.
“Bên cạnh đó, hàng năm Phòng GD&ĐT huyện tổ chức các lớp tập huấn riêng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên y tế, nhân viên nuôi dưỡng, trong đó có mời các chuyên gia dinh dưỡng về nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà trường. Các nhà trường đã thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhiều năm nay trên địa bàn huyện chưa có trường hợp nào ngộ độc thực phẩm trong trường học” – bà Bùi Thị Thanh Hải cho biết.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho các trường học trên địa bàn huyện năm học 2024 - 2025 và những năm tiếp theo, UBND huyện đề nghị các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, trường học đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định; xử lý nghiêm và công khai tên cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng