Công ty TNHH Ceramics Thanh Bình là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đợt này nhất với 5 sản phẩm gồm: bình giọt ngọc, bình tỳ bà, hoa sen men Chu Đậu, bình lưu ly men Chu Đậu, bình tỏi men Chu Đậu. Hợp tác xã Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ cũng mang đến chương trình 4 sản phẩm gồm: chậu lan dát vàng, tượng Trần Quốc Tuấn dát vàng, trống đồng dát vàng, điếu cày dát vàng.
Một số đơn vị khác cũng tích cực phát triển sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng như: Công ty TNHH phát triển thảo dược Việt, Công ty TNHH gốm sứ Mai Linh, Công ty CP Phù Đổng Green Park, Hợp tác xã Sản xuất thương mại nông nghiệp Phong Châu, Cơ sở sản xuất, chế biến đông trùng hạ thảo Thiên Sơn, Công ty TNHH SANAVI, Hộ kinh doanh Minh Trị, Công ty CP thương mại Lan Vinh, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Dương Hà.
Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp quỳ vàng Kiêu Kỵ Lê Bá Trung cho biết, đơn vị đăng ký tham gia 5 sản phẩm dát vàng gồm: tượng Trần Quốc Tuấn, bát sen, trống đồng, điếu cày, hổ phụ sinh hổ tử. Đây là những sản phẩm tâm huyết của các thành viên hợp tác xã, được chế tác công phu trong thời gian dài. “Năm 2021, hợp tác xã cũng đăng ký 5 sản phẩm dát vàng gồm: cá rồng, chữ Phúc, bình vinh quy bái tổ, bình hút lộc, thiềm thừ, đều đạt OCOP 4 sao…” - ông Trung chia sẻ.
Trong buổi đánh giá, phân hạng các sản phẩm ngày 10/12, các thành viên tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP TP Hà Nội và huyện Gia Lâm đã bám sát quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức đánh giá khách quan, công bằng đối với tất cả sản phẩm. Kết quả, 30/30 sản phẩm của các chủ thể đều đủ điều kiện tham gia phân hạng ở vòng tiếp theo (cấp Hội đồng OCOP TP Hà Nội).
Phát biểu tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Gia Lâm, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, cuối tháng 10/2022, đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP của Văn phòng Điều phối đã kiểm tra, đánh giá và ghi nhận sự vào cuộc rất tích cực của chính quyền địa phương cũng như các chủ thể trong phát triển Chương trình OCOP.
Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Chí đề nghị huyện Gia Lâm cần tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ để các chủ thể phát huy thế mạnh sản phẩm đã được chứng nhận, hoàn thiện sản phẩm để tiếp tục đăng ký nâng cao chất lượng. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã đạt sao OCOP nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP...
Tính đến nay, huyện Gia Lâm đã có 89 sản phẩm được cấp sao OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao, 68 sản phẩm đạt 4 sao và 16 sản phẩm đạt 3 sao. Trên địa bàn huyện đã hình thành được hai điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Dương Xá và xã Bát Tràng.