Kỳ cuối: Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam
Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch phụ trách Sản xuất, Chuỗi cung ứng & Vận hành, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam, chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị về tham vọng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và những đóng góp của Intel để hỗ trợ quốc gia hình chữ S trở thành trung tâm sản xuất và nghiên cứu & phát triển toàn cầu.
Năm 2006, Intel tiên phong bước vào thị trường Việt Nam, góp phần mở đường và thu hút hàng loạt nhà đầu tư quốc tế như Samsung, Nokia cùng nhiều tập đoàn đa quốc gia khác. Việt Nam đã và đang không ngừng thu hút các vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, mục tiêu đào tạo thêm 50.000 chuyên gia bán dẫn đến năm 2030 được xem là bước đi chiến lược, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Đây là một tham vọng tuyệt vời để thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn. Trong thời kỳ đại dịch, chúng ta đã thấy được sự quan trọng của ngành công nghiệp này với mọi quốc gia. Cụ thể, với nhu cầu học tập và làm việc từ xa, tất cả các công nghệ số hóa đều phụ thuộc vào ngành bán dẫn.
Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn có giá trị khoảng 500 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ không ngừng tăng trưởng. Đến năm 2030, quy mô của ngành có thể đạt 1 nghìn tỷ USD, thu hút sự quan tâm đầu tư từ nhiều quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, các nước châu Âu, và cả Việt Nam để tham gia vào hành trình đầy hứa hẹn này. Các chính sách mà chính phủ Việt Nam đề ra đang cho thấy hướng đi đúng đắn để đẩy mạnh sự phát triển của ngành. Và Intel chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc hành trình này.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, con số 50.000 là một mục tiêu phù hợp để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam về dài hạn.
Chính Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế như nền chính trị ổn định và vị trí chiến lược, đây là điều mấu chốt đã mang chúng tôi đến đây vào mười tám năm trước. Đặc biệt, nhà nước Việt Nam rất chú trọng vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Tôi tin rằng, sự kết hợp giữa chính phủ, các công ty nước ngoài như Intel, và các trường đại học, chính là mấu chốt để Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Khi mới bắt đầu vào mười tám năm trước, chúng tôi đã hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đổi mới hệ thống giáo dục, đẩy mạnh tính thực tiễn thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết. Chúng tôi đã đầu tư 22 triệu USD để hiện đại hóa chương trình học thông qua HEEAP (Chương trình Liên minh Hợp tác Giáo dục Ngành Kỹ thuật).
Với các chương trình mang tính thực tiễn cao và đã được công nhận tại nhiều nước châu Á, cũng như các viện kỹ thuật, chúng tôi đã đào tạo ra nhiều kỹ sư có thể đáp ứng nhu cầu của ngành bán dẫn ngay lập tức. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, nhiều kỹ sư đã có thể nhanh chóng tham gia vào một số vị trí cần thiết trong ngành.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chúng ta đã chứng kiến những xu hướng mới, như AI, và Intel cũng là một trong những đơn vị tiên phong. Cụ thể hơn, chúng tôi đã giới thiệu nhiều mẫu AI PC đến người dùng. Và AI chính là một ví dụ điển hình cho thấy các quốc gia cần phải liên tục nâng cấp để chuẩn bị cho những cơ hội lớn trong tương lai.
Intel cùng Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh vừa ký kết iên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) để bắt đầu hành trình chuẩn bị cho kỷ nguyên AI. Chúng tôi đặt ra mục tiêu phát triển và thay đổi nhằm đảm bảo các chương trình tập trung nhiều hơn vào các công nghệ mới nổi cần thiết trong ngành bán dẫn.
Khi bắt đầu, chúng tôi đã xem xét rất kỹ lưỡng một số địa điểm cho việc đặt nhà máy Intel, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Và cuối cùng, chúng tôi đã chọn Việt Nam. Suốt 18 năm qua, chúng tôi đã có một hành trình tuyệt vời nhờ nền chính trị ổn định tại Việt Nam.
Chính phủ, đặc biệt là các cấp lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy rằng ngành công nghiệp bán dẫn có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho thành phố và đất nước. Chính vì vậy, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về chính sách khi thành lập nhà máy tại Việt Nam.
Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam cũng là một quốc gia có dân sống đông và trẻ với hơn 100 triệu người. Nhờ vậy, mức lương nhân công ở Việt Nam khá hợp lý. Chúng tôi hiện đang có 6.500 nhân viên, trong đó có khoảng 2.400 người là nhân viên trực tiếp của Intel. Trong lĩnh vực bán dẫn, người lao động thường có thu nhập cao hơn so với lao động phổ thông ở các ngành khác.
Với nguồn nhân lực chất lượng cao, Intel và các kỹ sư địa phương đã có thể tham gia sâu vào khâu nghiên cứu và phát triển (R&D). Tôi rất vui mừng được chia sẻ rằng ngoài lĩnh vực sản xuất, chúng tôi cũng góp phần trong việc ra mắt sản phẩm mới. Nổi bật hơn hết là việc ứng dụng công nghệ đóng gói 3D với tên gọi Foveros. Công nghệ này cho phép các kỹ sư địa phương có thể đóng góp nhiều hơn vào khâu phát triển sản phẩm.
Thông qua những nỗ lực sáng tạo trong công việc tại Việt Nam, các kỹ sư của chúng tôi đã đăng ký nhiều bằng sáng chế tại Mỹ. Chúng tôi cũng áp dụng một số bằng sáng chế này tại Mỹ và đã nhận được các đánh giá tích cực.
Trước tiên, tôi muốn nói về khâu lắp ráp và kiểm định, chưa bao gồm chế tạo. Chi phí cho một nhà máy chế tạo chip có thể lên đến 20 tỷ USD. Hiện tại, Việt Nam chưa bước đến giai đoạn này, nhưng tôi cho rằng chính phủ đang có một tham vọng đúng đắn. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của chuỗi giá trị liên quan đến thiết kế chip. Sau thiết kế chip, chúng ta sẽ có chế tạo và cuối cùng là lắp ráp và kiểm định. Đây cũng là công đoạn mà nhà máy Intel Việt Nam đang chịu trách nhiệm.
Thách thức của chúng tôi là làm sao có đủ nguồn nhân lực và tài nguyên phục vụ cho những khâu ngoài lắp ráp và kiểm định. Trên thực tế, giai đoạn lắp ráp và kiểm định có độ phức tạp rất cao, đòi hỏi sự chính xác đến từng micron. Nhưng để có thể tham gia sâu hơn vào các giai đoạn khác, chúng tôi cần nhiều nhân lực hơn. Hiện nay, chúng tôi có khoảng 3% nhân viên tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Vì vậy, để phát triển xa hơn, chúng ta sẽ cần một nguồn nhân lực lớn hơn với nhiều nhân tài tốt nghiệp cấp bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ. Về lâu dài, những nhân sự này sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi chúng ta sẽ cần những người có khả năng thích nghi và phát triển liên tục với các kiến thức chuyên sâu về công nghệ mới.
Ngoài ra, chúng tôi rất quan tâm đến việc tăng cường hợp tác giữa Intel, các trường đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo để hiện đại hóa chương trình giảng dạy, đáp ứng nhu cầu tương lai của ngành bán dẫn, bao gồm quá trình nghiên cứu và phát triển, thiết kế chip, và thậm chí là cả chế tạo trong thời gian tới, một công đoạn đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Nhưng trên hết, nguồn nhân lực có chuyên môn cao đóng vai trò rất quan trọng để đạt được tham vọng tiến sâu hơn vào các giai đoạn khác trong lĩnh vực bán dẫn.
Tôi cho rằng đào tạo được 50.000 chuyên gia bán dẫn là mục tiêu vô cùng đúng đắn vì lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam hiện đang rất được quan tâm và thu hút đầu tư.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực tương lai cho ngành công nghiệp bán dẫn. Việc củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, các tổ chức giáo dục và các nhà đầu tư, trong đó có Intel, đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển nhanh chóng trong ngành bán dẫn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài (FDI) phải đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư. Đầu tư nước ngoài giúp mang đến công nghệ mới và những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
Về địa điểm cho kế hoạch phát triển nhân lực, các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có nhiều lợi thế do có nhiều công ty lớn đặt trụ sở.
Việt Nam không những thu hút nhiều nhà đầu tư mà còn có sự ưu tiên hỗ trợ từ chính phủ. Các trường đại học chất lượng cũng tập trung tại những thành phố trọng điểm. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của các thành phố cũng được phát triển rất tốt về giao thông, mạng lưới, v.v.
Tôi cho rằng mọi kế hoạch phát triển nên bắt đầu ở những nơi có nhiều nhà đầu tư nhất. Khi chính phủ dành sự quan tâm hỗ trợ cho các nhà đầu tư hiện hữu, mối quan hệ hợp tác này sẽ khởi đầu một chặng đường tiềm năng.
Ngoài ra, các địa điểm trên cũng phù hợp để đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo sinh viên ra trường đáp ứng ngay nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp. Mục tiêu này có thể đạt được thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp như Intel cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiếp đến, các đơn vị như Intel có thể cung cấp chương trình thực tập để sinh viên tiếp cận với công việc thực tế trong môi trường doanh nghiệp. Sinh viên cũng có thể hợp tác với những doanh nghiệp như chúng tôi để thực hiện các nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn.
Sau quá trình thực tập và tốt nghiệp, chúng tôi sẵn sàng đón các bạn sinh viên quay lại và làm việc lâu dài tại công ty. Hiện nay, nhiều nhân sự tại Intel Việt Nam là cử nhân từ Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp quay lại trường để chia sẻ kinh nghiệm làm việc với những sinh viên hiện tại.
Tôi thấy rằng mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức giáo dục và các doanh nghiệp mang đến rất nhiều tiềm năng phát triển, thậm chí góp phần đẩy nhanh mục tiêu đào tạo 50.000 chuyên gia bán dẫn mà Việt Nam hướng đến vào năm 2030.
Từ việc chỉ sản xuất một sản phẩm vào năm 2010, Intel Việt Nam hiện có thể sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, phức tạp hơn. Khi quy mô sản xuất mở rộng, lực lượng lao động cũng tăng theo. Năm 2023, Intel Việt Nam đã tạo ra hơn 6.500 việc làm, với khoảng 2.400 nhân viên trực tiếp, gấp đôi so với năm 2016. Intel Việt Nam cũng đang tham gia nhiều hơn vào khâu hợp tác nghiên cứu và phát triển với các trung tâm nghiên cứu trên toàn cầu của Intel. Điều này là một minh chứng cho kỹ năng và trình độ công nghệ của lực lượng lao động tại nhà máy IPV.
Năm 2010, hầu hết các chức vụ quản lý kỹ thuật của nhà máy do người nước ngoài nắm giữ. Nhưng mười một năm sau, 95% lực lượng lao động là người Việt Nam, đảm nhiệm các vị trí từ chuyên viên sản xuất đến trưởng phòng và thậm chí là trực thuộc ban giám đốc nhà máy.
Ngoài ra, nhiều trường đại học tại Việt Nam cũng đào tạo những cử nhân có kỹ năng và năng lực tốt. Điều này cho phép các nhà đầu tư, bao gồm Intel, tận dụng nguồn nhân lực tại Việt Nam để phát triển. Như tôi đã đề cập, có khoảng 3% lực lượng lao động tham gia vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Trong tương lai, với số lượng nhân lực lớn hơn, chúng tôi có kế hoạch để tăng số lượng nhân sự tham gia vào những khâu ngoài khâu sản xuất, như nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này và đã thảo luận với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Đồng thời, Việt Nam sở hữu hệ thống pháp lý về đầu tư công nghệ cao phù hợp cho các doanh nghiệp như Intel. Việt Nam cũng sở hữu một nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế chip lớn. Hiện tại, chúng tôi đang có những nhân tài trong lĩnh vực này trong đội ngũ nhân sự tại Intel Việt Nam. Họ là một phần của đội ngũ kỹ sư thiết kế chip tại Intel Malaysia. Chúng tôi dự định sẽ mở rộng thêm nhân lực trong thời gian tới.
Cám ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
09:00 05/06/2024