Phát biểu với các phóng viên tại Tehra hôm 4/2, ông Zanganeh nói: "Quốc gia Vịnh Ba Tư này có thể tăng sản lượng hàng ngày ít nhất 100.000 thùng trong vòng “5 đến 6 ngày” nếu OPEC cùng với các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, quyết định giá dầu thô đã đủ cao để chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Bộ trưởng Zanganeh cho biết: "Chúng tôi có thể nhanh chóng tăng sản lượng, từ khu vực Tây Karoun và Azadegan,” ông đề cập đến hai khu vực sản xuất dầu ở phía tây Iran gần biên giới Iraq .
Theo ông Zanganeh, Iran hiện đang tuân thủ chặt chẽ việc "tự kềm chế khai thác" phù hợp với quyết định của các thành viên trong và ngoài OPEC hồi tháng 11/2016 để duy trì cắt giảm sản lượng khai thác nhằm cân bằng thị trường dầu toàn cầu.
Các nước OPEC cùng với Nga và các nhà sản xuất dầu lớn khác đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm đến cuối năm 2018 trong các nỗ lực chống lại mối đe dọa từ các nhà cung cấp đối thủ, bao gồm cả các công ty đá phiến của Mỹ cũng như hỗ trợ tăng giá "vàng đen".
Thỏa thuận cắt giảm chung khoảng 1,8 triệu thùng dầu/ngày có hiệu lực từ tháng 1 năm ngoái đã giúp giá dầu phục hồi trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, OPEC cho phép Iran , đang chật vật để hiện đại hoá nền kinh tế sau nhiều năm hứng chịu trừng phạt quốc tế, nhằm tăng sản lượng lên 3,8 triệu thùng/ngày.
Giá dầu Brent, chuẩn quốc tế, đã tăng 48% kể từ khi các nước thành viên trong và ngoài OPEC lần đầu tiên đồng ý hạn chế sản lượng từ đầu năm 2017. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 68,58 USD/thùng.
Bộ trưởng Zanganeh nói: "Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định vào tháng 6 - khi chúng tôi gặp nhau lần nữa. Nhưng ấn tượng của tôi là các nước thành viên của OPEC sẽ không theo đuổi giá dầu tăng cao vì dầu quá "nóng" sẽ dẫn tới sự biến động giá trong trung hạn".
Theo số liệu của Bloomberg, Iran, nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC, đã bơm 3,83 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 1/2018.