Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khả năng Nga và Ả Rập Xê Út nổ ra "chiến tranh" giá dầu?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định tăng nguồn cung dầu của Ả Rập Xê Út vào thời điểm nhu cầu toàn cầu giảm có thể mang đến rủi ro cho nền kinh tế Nga, theo giới phân tích.

Nếu Ả Rập Xê Út tác động vào thị trường để hạ giá dầu, doanh thu của Nga có thể bị ảnh hưởng. Ảnh: AFP
Nếu Ả Rập Xê Út tác động vào thị trường để hạ giá dầu, doanh thu của Nga có thể bị ảnh hưởng. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà giao dịch dầu mỏ cho biết Ả Rập Xê Út đang chuẩn bị thể hiện sức mạnh khi thúc đẩy tăng sản lượng dầu và giảm giá, đảo ngược tình thế với các nhà sản xuất quy mô nhỏ hơn, tăng nguồn xuất khẩu hơn để giành thị phần và lợi nhuận, ngay cả khi mức giá xuống thấp hơn. Nước này được cho là đã phát tín hiệu rằng giá dầu thô có thể giảm xuống mức thấp nhất là 50 USD/một thùng nếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phớt lờ cam kết giảm sản lượng dầu.

WSJ nhận định, đây có thể coi là lời đe dọa ngấm ngầm rằng Riyadh đã chán ngấy những quốc gia gian lận hạn ngạch, đồng thời hoàn toàn có thể phát động cuộc chiến giá cả để bảo vệ thị phần của nước này. 

Chiến lược đó có thể khiến tạo đà giảm cho giá dầu. Trong khi đó, dầu khí là nguồn thu lớn nhất của Nga trong thập kỷ qua, chiếm tới một nửa ngân sách của nước này. Xu hướng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ các lựa chọn chiến lược của Nga. Đến năm 2030, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán rằng năng lực cung ứng toàn cầu sẽ vượt xa nhu cầu khoảng 8 triệu thùng mỗi ngày, một tình huống được mô tả là "gây sốc" và "chưa từng có" (ngoài đại dịch Covid-19).

Do Iran và các quốc gia vùng Vịnh có các giếng dầu gần bề mặt, giúp việc khai thác trở nên hiệu quả về mặt chi phí, nên các quốc gia này có lợi thế thương mại hơn nhiều để đối phó với giá dầu giảm. Giá hòa vốn của họ cho các dự án khoan mới cũng thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế, bao gồm cả Nga và Mỹ. Với dầu mỏ chiếm từ 30-50% doanh thu ngân sách nhà nước hàng năm kể từ năm 2014, về cơ bản, Nga là một quốc gia dầu mỏ.

Mikhail Krutikhin, một nhà phân tích năng lượng người Nga đang ở Na Uy, cho biết động thái tiềm năng của Ả Rập Xê Út gây ra "rủi ro lớn" cho ngân sách quốc gia của Moscow. Đây chỉ là một trong số nhiều yếu tố khó lường sắp xảy ra, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Alexandra Prokopenko, một nhà kinh tế - thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cũng cho rằng Điện Kremlin đang phải đối mặt với rủi ro.

"Theo tỷ giá hối đoái hiện tại, giá dầu giảm 20 USD sẽ dẫn đến doanh thu giảm 1,8 nghìn tỷ rúp (20 tỷ USD). Con số này tương đương với khoảng 1% GDP của Nga", chuyên gia này cho biết.

Nga đã có thể lách được các mức trần này bằng cách sử dụng tàu chở dầu "bóng đen" không đăng ký, nhưng mức giá đe dọa 50 USD/thùng của Riyadh có thể khó vượt qua hơn.

Tình hình có thể tồi tệ hơn nếu động thái bán tháo nguồn cung của Ả Rập Xê Út làm bùng nổ cuộc chiến giá dầu giữa Nga và vương quốc này.

Quỹ Tài sản Quốc gia của Nga đã giảm gần một nửa vào đầu năm nay và khó có thể tìm nguồn từ phương Tây để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Giới phân tích cho rằng vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Vladimir Putin có muốn tham gia vào cuộc chiến giá dầu với Riyadh hay không, xét đến những ưu tiên khác cấp bách hơn. Rất khó để dự đoán các động thái của Điện Kremlin, xét đến nhiều yếu tố ẩn số liên quan đến doanh số bán dầu của Nga.

Tuy nhiên, một cuộc đối đầu giữa Nga với Ả Rập Xê Út có thể đang diễn ra. Tuần này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết vẫn chưa rõ liệu OPEC có nên tăng sản lượng dầu tại cuộc họp vào tháng 12 hay không, như Ả Rập Xê Út đã ra tín hiệu.

Nga và Ả Rập Xê Út trước đây đã từng đụng độ trên thị trường dầu mỏ. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi kéo dài một tháng khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, Nga đã phát động việc tăng sản lượng khi thế giới chuyển sang hạn chế. Khi Ả Rập Xê Út đáp trả tương tự, giá dầu đã lao dốc không phanh.