Khi giấy khen thành... "giấy khoe"

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào thời điểm kết thúc năm học, phụ huynh lại rầm rộ đăng tải hình ảnh giấy khen, bảng điểm, thành tích của con lên mạng xã hội. Hình thức chia sẻ niềm vui, niềm tự hào của phụ huynh với cộng đồng mạng dường như đã biến giấy khen trở thành… giấy khoe.

Vài ngày nay, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh giấy khen, bảng điểm, huy chương, thành tích… các loại của học sinh được phụ huynh trưng lên trang cá nhân của mình. Nếu lướt qua hình ảnh giấy khen của con người quen, ai “lười” tương tác cũng thả tim, nhấn like; ai “chăm” thì để lại một vài câu bình luận…. Nhận được lời khen, phụ huynh lại thay con cảm ơn và chắc chắn, lời khen trên mạng không đến được với chủ nhân đích thực của những tờ giấy khen đó.

Năm học 2023 - 2024, các trường THCS, THPT trên cả nước tiếp tục thực hiện cách đánh giá học sinh lớp 6, 7, 8 và 10, 11 theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; nghĩa là chỉ có danh hiệu học sinh Xuất sắc, học sinh Giỏi và không còn danh hiệu học sinh Khá (học sinh tiên tiến) như trước. Điều này giúp hạn chế phần nào “cơn mưa” giấy khen mỗi dịp cuối năm học đã tồn tại bấy lâu nay nhưng lại làm cho kỳ vọng của cha mẹ đối với con tăng lên vì phải có thành tích tốt, thậm chí là rất tốt mới được tặng giấy khen.

Trên nhóm “Chúng tôi là giáo viên” từng có một bài đăng với nội dung: “Tha thiết mong các bậc phụ huynh không đăng giấy khen của con lên Facebook”. Lời khẩn cầu này lập tức nhận được cả nghìn lượt “thích” và bình luận. Đa số ý kiến đồng tình với quan điểm do các cô giáo đưa ra.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, sau một năm cố gắng, nếu con đạt kết quả học tập tốt thì xứng đáng được công nhận, khen thưởng; thế nhưng hình thức khen thế nào cần được cha mẹ cân nhắc để bảo đảm ý nghĩa, sự riêng tư và phù hợp. Với việc đăng tải giấy khen, bảng điểm của con trên mạng xã hội, cha mẹ nhất thiết phải hỏi ý kiến của con bởi ở đó, ngoài danh hiệu khen thưởng còn có rất nhiều thông tin cá nhân cần giữ bí mật.

Thực tế, việc đăng tải giấy khen lên mạng xã hội ít tạo cho trẻ động lực học tập; ngược lại còn mang đến cho các con nhiều áp lực hơn. Không phải cứ khoe con cái chăm ngoan, học giỏi thì con sẽ tiếp tục phấn đấu đạt thành tích tốt mà điều này vô hình trung lại gây áp lực nặng nề không chỉ cho con mình mà còn cho phụ huynh khác hoặc con người khác. Thấy “con nhà người ta” đạt nhiều danh hiệu, thành tích, không ít phụ huynh lại so sánh, nhiếc móc hoặc thúc ép con mình lao đầu vào học. Nhiều gia đình, Hè chưa nghỉ ngày nào đã lùng sục, tìm kiếm các trung tâm học thêm toán, văn, ngoại ngữ và đăng ký cho con theo học để bằng bạn bằng bè.

Một năm có khi cả 12 tháng con trẻ bị guồng ép vào khuôn "học, học và học" để bố mẹ có được tấm giấy khen, được nở mày nở mặt với cư dân mạng, với cơ quan công tác hay hội khuyến học của dòng họ. Điều này đánh cắp tuổi thơ tươi đẹp và hồn nhiên của biết bao đứa trẻ khi suốt ngày hết cặm cụi học ở trường rồi lại cuống cuồng chạy sang lớp học thêm.

Tấm giấy khen không có lỗi nhưng cách khen và việc đặt kỳ vọng của cha mẹ lên con như thế nào là điều người lớn cần suy nghĩ và điều chỉnh để mỗi học sinh đều thấy được sự động viên, khích lệ của thầy cô; hoặc chí ít là sự ghi nhận của cha mẹ cho những nỗ lực trong suốt một năm học. Và để con trẻ bớt áp lực, cha mẹ hãy dừng lại một chút trước khi công khai thành tích của con trên mạng, hãy suy nghĩ xem việc này mang đến điều gì cho con và cho mình.

Có nên khoe thành tích của con lên mạng xã hội hay không phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người nhưng nếu việc đó có thể làm tổn thương người khác thì rất đáng để suy ngẫm. Cha mẹ hãy để tờ giấy khen của con đúng nghĩa là để… khen.