Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch Covid-19, nhất là trong dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới.
Những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 có chiều hướng gia tăng trở lại và đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào, trong đó có trường hợp có bệnh nền nhưng không tiêm mũi vaccine phòng Covid-19.
Kết quả giám sát các biến thể của SARS-CoV-2 của đơn vị thử nghiệm lâm sàng thuộc Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tại khu vực phía Bắc lưu hành nhiều loại biến chủng phụ của Omicron. Đặc biệt, biến thể XBB.1.5 XBB.1.9, XBB.1.16 được ghi nhận từ tháng 3/2023 và đang có xu hướng gia tăng.
Tại TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn đã xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Theo Sở Y tế, miễn dịch cộng đồng bắt đầu giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (94%).
Tuy nhiên, với xu hướng số ca mắc mới tăng nhanh, không tránh khỏi tình trạng số ca nhập viện bắt đầu tăng cao trở lại. Trong đó, hầu hết là người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm hệ miễn dịch và những người chưa tiêm đủ vaccine Covid-19 theo quy định.
Về các biến thể mới của Omicron xuất hiện tại một số địa phương mới đây, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, không có gì là mới lạ.
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm. Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh. Có thể nói, virus SARS-CoV-2 không hoàn toàn biến mất, mà vẫn tồn tại, "ẩn nấp" trong cộng đồng, khó dự báo, khó đoán định.
Hơn 3 năm kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, cả nước đã trải qua những ngày tháng cam go nhất để khống chế đại dịch thành công, đưa cuộc sống trở về bình thường. Việt Nam là một trong những nước sớm khống chế được dịch, mở cửa sớm nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, nằm trong top các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta chưa công bố dịch Covid-19 đã kết thúc. Dịch còn nghĩa là còn người mắc. Miễn dịch do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian, trong khi đó virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, nguy cơ dịch bùng phát rất cao.
Đặc biệt, cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 sắp tới, sự gia tăng đi lại, giao lưu, tiếp xúc có nguy cơ làm mức độ lây nhiễm Covid-19 tăng cao. Do đó, ngành Y tế, các chuyên gia kêu gọi, khuyến cáo người dân không hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19, có ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đến nay, tiêm chủng vaccine Covid-19 vẫn là biện pháp phòng, chống dịch quan trọng nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch Covid-19. Tiêm đầy đủ các mũi cơ bản và nhắc lại giúp tăng cường và củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể đã giảm dần theo thời gian. Vaccine không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mỗi cá nhân mà còn giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Với biến thể Omicron thì vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả. Để phòng, chống lây nhiễm Covid-19, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.
Ngoài việc tiêm đủ các mũi vaccine như khuyến cáo, người dân nên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Với việc chủ động và triển khai tốt các giải pháp sẽ tránh được các tình huống phát sinh và nguy cơ bùng phát dịch, đảm bảo cho người dân có kỳ nghỉ lễ an lành.