70 năm giải phóng Thủ đô

Không để doanh nghiệp đơn độc

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt DN Việt Nam đã rời thị trường, con số này sẽ còn tăng nếu các cơ quan quản lý không có các giải pháp kịp thời và hữu hiệu để giúp DN tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, số DN rút lui khỏi thị trường sau hai tháng đầu năm là 51.400 DN, tương đương bình quân một tháng có 25.700 DN rút lui khỏi thị trường.

Theo Tổng Cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, số DN thành lập mới giảm, với 19.700 DN thành lập (giảm 3%), số vốn đăng ký 164.700 tỷ đồng, giảm 40,7%. Số DN quay trở lại hoạt động cũng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng chỉ có gần 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động cho thấy sản xuất - kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Những thách thức của kinh tế thế giới cũng như trong nước đang ngấm sâu vào cộng đồng DN trong nước.

Trên thế giới, lạm phát cao ở một số thị trường lớn, xung đột quân sự, thảm họa thiên nhiên… tạo ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế nước ta nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Ở trong nước, các DN chịu áp lực tăng giá đầu vào rất lớn, từ vật liệu xây dựng, máy móc, nhân công, chi phí vốn. Nhiều DN thiếu đơn hàng. Việc tiếp cận nguồn vốn của DN để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Áp lực lãi suất, tỷ giá tăng. Nhiều kênh huy động vốn của DN bị ách tắc khiến khó chồng lên khó.

Trong khi đó, thể chế, quy định pháp luật còn vướng mắc. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), 60,1% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chưa kể, tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho việc cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%.

Các cơ quan chức năng cần tăng tốc, quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN về chi phí, nguồn vốn và cải thiện môi trường kinh doanh. Tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…), giảm các loại chi phí không chính thức.

Các thành phần kinh tế cần được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra. Nhiều khả năng, bối cảnh thế giới còn khó khăn, nên cầu trong nước sẽ là nhân tố quyết định. Do đó việc giảm lãi suất, giảm các loại thuế để kích cầu tiêu dùng là cần thiết. Hơn lúc nào hết phải khẩn trương thực hiện các giải pháp đồng hành cùng DN, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư công, triển khai quyết liệt các gói hỗ trợ, từ đó mới vực dậy niềm tin và tạo động lực cho cộng đồng DN vượt qua cơn bĩ cực hiện nay.