Khủng hoảng di cư - thách thức lớn nhất của “thời đại Merkel”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 9/2005, phần lớn các nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ năng lực, bản lĩnh điều hành của bà Angela Merkel - nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức.

10 năm sau, bà Merkel không chỉ là nữ chính trị gia quyền lực nhất thế giới mà nhiều khả năng sẽ tiếp tục thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Tuy nhiên, trên con đường lãnh đạo đất nước của mình, bà Merkel đang gặp phải một thách thức rất lớn mang tên “khủng hoảng di cư”

Hồi sinh từ cơn “trọng bệnh”

Sự ủng hộ rất ấn tượng của cử tri Đức dành cho bà Merkel chủ yếu là nhờ khả năng giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu hồi phục từ cơn “trọng bệnh”. Năm 2005, với lượng thất nghiệp lên tới hơn 5 triệu người – mức kỷ lục kể từ sau Thế chiến thứ II và tăng trưởng GDP ở mức 1% trong suốt 4 năm liên tiếp, sự trì trệ của nền kinh tế Đức đã bị coi là nguy cơ lớn nhất của Eurozone. Các nhà bình luận của tạp chí Economist thậm chí còn bày tỏ quan ngại, các triệu chứng ốm yếu của nền kinh tế Đức sẽ “lây lan” ra toàn bộ châu Âu. Suy thoái kéo dài cùng với “cú đánh” từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến không ít nhà quan sát cho rằng, chèo lái một nền kinh tế đang suy thoái là “nhiệm vụ bất khả thi” với bà Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel.    	Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, đến đầu năm 2010, GDP đã phục hồi và vượt mức trước khủng hoảng. Đầu năm nay, Đức cũng đã lần đầu tiên cân bằng được ngân sách sau 40 năm và ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục của thị trường lao động. Tính đến tháng 6, số người thất nghiệp giảm xuống còn 2,71 triệu người, mức thấp nhất trong 24 năm qua. Đặc biệt, quyết định đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân vào năm 2022 được cho là một di sản quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Merkel.

Thử thách mới

Sau khi chứng tỏ được vai trò của một vị “tổng đạo diễn” trong bộ phim truyền hình dài tập giải cứu Hy Lạp, cuộc khủng hoảng người di cư đã thách thức vai trò lãnh đạo châu Âu của Đức. Dù tuyên bố sẽ mở cửa biên giới để tiếp nhận di dân của Thủ tướng Merkel đã góp phần cải thiện hình ảnh của một chính trị gia lạnh lùng, nhưng bà khó lòng hình dung ra được quy mô và mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng này.

Sự già hóa dân số khiến nền kinh tế Đức phải phụ thuộc nhiều hơn vào người di cư với hơn 30% dân số dưới 15 tuổi là người di cư. Bà Merkel cho rằng, các quốc gia trong khu vực sẽ gặp phải tình trạng tương tự nên dành nhiều sự ủng hộ cho việc thông qua kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư. Điều này lý giải nguyên nhân vì sao hàng ngàn người tị nạn trong cơn tuyệt vọng đằng sau hàng rào biên giới của các quốc gia đã hô vang "Merkel, Merkel" thay vì gọi tên giấc mơ châu Âu của mình.

Tuy nhiên không phải nước nào cũng đồng tình với quan điểm cởi mở của bà Merkel về người di cư khi người dân trong nước còn đang phải vật lộn với cuộc sống khó khăn như Hungary, Hy Lạp, Slovakia... Sự tranh cãi và đổ lỗi lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo châu Âu một lần nữa cho thấy những mảng sáng tối trong bức tranh chính trị của Đức. Không phải là các vấn đề nội bộ là chủ đề gây chia rẽ trên chính trường mà những hồ sơ quốc tế lớn như Ukraine, Hy Lạp và cuộc khủng hoảng di cư mới khiến người Đức phải bận tâm tính toán. Chẳng có một quốc gia nào từ chối ý muốn làm “trọng tài” khu vực của Berlin nhưng sự áp đặt mang tính cứng nhắc và khiên cưỡng khiến nhiều thành viên EU “không thoải mái”.

Mọi chuyện sẽ chỉ dừng lại khi Berlin buộc phải đóng cửa khẩu vì lượng người tràn vào như thác lũ. Trên đường phố của một số địa điểm gần biên giới, người di cư nằm ngồi la liệt gây ra một cảnh tượng nhếch nhách chưa từng có. Sự đồng cảm và cởi mở đối với người di cư của người Đức phút chốc trở nên méo mó vì vụ cố ý phóng hỏa một trại tị nạn. Nước Đức bây giờ mới nhận thức được rằng, khủng hoảng di cư chứ không phải là nợ công của Hy Lạp, ý tưởng muốn đào thoát khỏi EU của Anh, xung đột tại Ukraine mới là thách thức lớn nhất cho "thời đại Merkel".

Nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng lịch sử này, không chỉ ánh hào quang trên vương miện của người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong một thập kỷ qua sẽ bị che mờ mà còn khiến cho tham vọng muốn cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa của bà Merkel sẽ bị đe dọa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần