Khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang có thể khiến giá khí đốt châu Âu tăng nhiệt

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định rằng nếu cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang, giá khí đốt tại châu Âu - vốn đã tăng kỷ lục vào năm ngoái - có thể tiếp tục leo dốc mạnh trong thời gian tới.

Các nhà phân tích cho biết quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang "phủ bóng" lên thị trường năng lượng tại châu Âu và giá khí đốt được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn.

Tập đoàn Gazprom của Nga hôm 17/1 cho biết không lên kế hoạch bơm khí đốt sang châu Âu thông qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu từ tháng 2 tới.
Tập đoàn Gazprom của Nga hôm 17/1 cho biết không lên kế hoạch bơm khí đốt sang châu Âu thông qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu từ tháng 2 tới.

"Thị trường khí đốt tại châu Âu đang đối mặt với áp lực về nguồn cung nếu cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang, trong khi Moscow đang cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho châu lục này”, chuyên gia năng lượng Dan Yergin nói với CNBC hôm 17/1.

Cũng có nhận định tương tự, công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics cảnh báo nếu  quan hệ giữa Moscow và Kiev gia tăng căng thẳng, giá khí đốt tại châu Âu - vốn đã lập kỷ lục vào năm ngoái - có thể tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn.

Theo ông William Jackson, chuyên gia trưởng về thị trường mới nổi của Capital Economics, giá khí đốt tại châu Âu có thế tái lập mức tăng sốc trong năm nay do châu Âu vẫn phụ  thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga, trong bối cảnh dự trữ nhiên liệu tại châu lục này đang ở mức thấp kỷ lục. “Nếu các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, hoặc Nga sử dụng xuất khẩu khí đốt như một công cụ để tạo đòn bẩy, thì giá khí đốt của châu Âu có thể sẽ tăng mạnh,” chuyên gia Jackson cho hay.

Thời gian gần đây, truyền thông phương Tây liên tục cho rằng Nga chuẩn bị tấn công Ukraine. Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc như vậy và khẳng định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mở rộng về hướng Đông, đe dọa an ninh Nga.

Vào giữa tháng 12/2021, Nga đã đưa ra các đề xuất nhằm đảm bảo an ninh, song các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu với Moscow hồi tuần trước đã kết thúc trong bế tắc. Trong bối cảnh đó, một cuộc tấn công mạng nhằm vào các trang web chính phủ Ukraine mà Kiev cáo buộc có liên quan đến Nga khiến gia tăng thêm căng thẳng.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo có thể trừng phạt Nga nếu Moscow có hành động quân sự với Kiev.

Cơ quan nghiên cứu Capital Economics cho rằng nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt chống Nga, giá khí đốt tại châu Âu có thể sẽ tăng vượt mức đỉnh 180 bảng Anh/MWh từng thiết lập vào tháng 10/2021.

Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu trong quý III năm ngoái đã đẩy giá điện ở châu Âu tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm.  Giá khí đốt chỉ bắt đầu giảm sau ngày Giáng sinh khi Mỹ tăng nguồn xuất khẩu khí đốt hóa lỏng cho châu Âu.

Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies hôm 16/1 cho biết nguồn cung khí đốt từ Nga đã thấp hơn bình thường. Lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào châu Âu từ tháng 8-12/2021 giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018, theo số liệu của ngân hàng Jefferies. Lượng dự trữ khí đốt ở châu Âu tính đến ngày 12/1 vừa qua thấp hơn mức trung bình hàng năm và giảm 21% so với mức trung bình 5 năm, theo số liệu của ngân hàng Jefferies.

“Chúng tôi cho rằng giá khí đốt tại châu Âu khó có thể hạ nhiệt trong những tháng tới khi nguồn cung khí đốt từ Nga vẫn ở mức thấp”, các chuyên gia của Jefferies nhận xét.

Trong khi đó, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom hôm 17/1 cho biết không lên kế hoạch bơm khí đốt sang châu Âu thông qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu từ tháng 2 tới, điều này cho thấy lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang khu vực này giảm mạnh trong năm nay.

Tập đoàn Gazprom cho biết hiện xuất khẩu đường ống dẫn khí đốt của Nga từ đầu tháng 1 đã giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh tác động của việc đảo ngược tuyến Yamal-châu Âu, đường ống thường bơm khí đốt của Nga vào châu Âu từ Đức đến Ba Lan.

Theo dữ liệu từ nhà khai thác mạng Gascade của Đức, điều này đã xảy ra trong ngày thứ 28 liên tiếp vào 17/1.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần