Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kinh tế thế giới hậu Covid-19] Bài 3: Vượt qua nỗi sợ tự động hóa

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước cuộc khủng hoảng Covid-19, các số liệu về sự phát triển của robot, trí tuệ nhân tạo luôn là lời cảnh báo đáng sợ về vấn đề mất việc làm, gia tăng khoảng cách giàu - nghèo… Giờ đây, thế giới đang đối mặt với nạn thất nghiệp, nhưng tuyệt nhiên không phải do quá trình tự động hóa gây nên.

DN ở nhiều quốc gia có lẽ đã ước ao về các chuỗi cung ứng gần nhà hơn để việc sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn khi mà dịch bệnh thậm chí chưa lan đến nước mình. Để có thể thay thế nguồn lao động luôn là thế mạnh của "công xưởng thế giới" Trung Quốc, ứng dụng công nghệ chắc chắn là một thành tố quan trọng của xu hướng này. (Đọc thêm tại đây)
Các nhà sản xuất, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển hạn chế về lực lượng lao động tay nghề cao, lâu nay đã hướng đến việc tự động hóa để giảm chi phí sản xuất, giành lợi thế giá cả trên thị trường. Kết hợp với bài học đau thương từ cuộc khủng hoảng lần này, quá trình tự động hóa trong ngành công nghiệp điện tử dự báo sẽ càng được đẩy mạnh trong năm tới.
Báo cáo tác động Covid-19 của ResearchAndMmarket công bố tháng này cho thấy, quy mô thị trường robot công nghiệp truyền thống toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 44,6 tỷ USD vào năm 2020, đạt 73 tỷ USD vào năm 2025, trong khi tăng trưởng kép hàng năm đạt 10,4% trong giai đoạn dự báo.
Hãng Oxford Economics dự báo đến năm 2030, khoảng 20 triệu việc làm - chiếm 8,5% lực lượng lao động trên toàn thế giới - sẽ được đáp ứng bởi máy móc. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính các ngành nghề mới nổi do tự động hóa có thể chiếm 6,1 triệu công việc trên toàn cầu giai đoạn 2020 - 2022.
Những con số này được đưa ra trước đại dịch, khi mà thế giới còn chưa lường trước được tác động của Covid-19 đối với 2,7 tỷ người, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động toàn cầu - theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
[Kinh tế thế giới hậu Covid-19] Bài 3: Vượt qua nỗi sợ tự động hóa - Ảnh 2
Nhưng ngay cả vào lúc đó, WEF đã nhấn mạnh rằng tự động hóa sẽ tạo ra những cơ hội mới để thực hiện những khát vọng và tiềm năng của mọi người. Và dịch Covid-19 bùng phát trước hết đã cho thấy cách công nghệ đang bảo vệ con người: Robot hỗ trợ nhân viên y tế nơi bệnh viện tuyến đầu ở Trung Quốc, ngăn ngừa tiếp xúc mầm bệnh cho nhân viên kho bãi và giao hàng của Amazon, trong khi thanh toán kỹ thuật số hạn chế việc “trao tiền - truyền vi khuẩn” cho nhân viên ngành bán lẻ thiết yếu đã phải hoạt động bất chấp dịch bệnh.
Oxford Economics ước tính, việc tăng cường sử dụng robot đến 30% sẽ mang đến sự gia tăng 5,3% GDP toàn cầu. Con số này càng trở nên giá trị khi đặt cạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 - giảm xuống 3% - theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Phải chăng, một lực lượng lao động tự động hơn có lẽ đã giảm bớt phần nào thiệt hại kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra.
Kinh tế hậu đại dịch được kỳ vọng sẽ cho con người thấy cách mà công nghệ tăng tốc phục hồi, và bảo vệ chúng ta khỏi những rủi ro trong tương lai. Trong khi Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) báo cáo chi phí robot đã giảm và sẽ tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho việc ứng dụng rộng rãi hơn nữa. Tuy nhiên, các quốc gia được khuyến cáo không nên tự động hóa vội vàng chỉ vì công nghệ có sẵn.
Giáo sư kinh tế Daron Acemoglu tại Viện Công nghệ Massachusetts từng phân biệt 2 khái niệm “công nghệ” và “công nghệ phù hợp”. Nôm na, công nghệ phù hợp sẽ tạo ra cho nền kinh tế những ngành nghề chất lượng cao, để bù đắp lượng việc làm của con người đã bị thay thế bởi robot. Trong khi công nghệ thông thường sẽ chỉ thay thế lao động, mà không cung cấp cho người dùng khâu cuối bất cứ trải nghiệm hay dịch vụ nào cải thiện hơn so với do con người làm ra.
Chẳng hạn, công việc kế toán đã chẳng thể bị xóa sổ bởi sáng chế máy tính cộng của William Burroughs vào năm 1885. Để rồi cuối cùng, sự đổi mới này đặt nền móng cho việc hình thành Unisys - tập đoàn công nghệ thông tin trị giá hàng tỷ USD. Nhìn lại để thấy, hầu hết các công nghệ tự động nổi tiếng trên thế giới không thay thế con người, mà thay vào đó chúng đảm nhận những nhiệm vụ không đòi hỏi nhiều sáng tạo, hoặc những công việc có yếu tố nguy hiểm.
Và như vậy, để một nền kinh tế tự động hóa vì thịnh vượng chung, nơi mà vấn đề việc làm không bao giờ trở thành gánh nặng chỉ vì robot, con người được cho cần xác định rằng tất cả chúng ta sẽ phải học hỏi suốt đời, liên tục mài giũa để sẵn sàng đáp ứng cho một cấp độ công việc cao hơn sau những tiến bộ của công nghệ.
Trong khi đó, tham vọng tự động hóa đòi hỏi lãnh đạo các quốc gia, DN không chỉ cần tính toán để đầu tư vào đúng các công nghệ phù hợp, mà còn phải có chiến lược đào tạo năng lực thích ứng, cùng chính sách phân bổ chuyên môn hợp lý.
Rajendra Pratap Gupta - Giáo sư chính sách công, cựu cố vấn cho Chính phủ Ấn Độ - đồng tình về một nền kinh tế tự động hóa hơn trong thời kỳ hậu Covid-19, nhưng cũng đặt câu hỏi, phải chăng sẽ cần bổ sung mục tiêu “tự động hóa có trách nhiệm” vào bộ 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc? Theo ông, một định hướng cụ thể sẽ giúp các quốc gia hiểu rõ sứ mệnh của cộng đồng DN và giới lãnh đạo chính trị trong nền kinh tế tự động hóa vững mạnh.
“Sự hợp tác giữa các khu vực công và tư nhân có thể thúc đẩy một chương trình nghị sự mới, mà trong đó tương lai của mọi người cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu được tăng cường bằng cách huy động hành động đại chúng trên toàn thế giới về giáo dục, việc làm và nâng cao kỹ năng”, báo cáo của WEF viết.
Nổi lên gần đây trong các dự báo về kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid-19, một nhận định cho rằng thế giới sẽ thôi bám chặt lấy phương thức tăng trưởng dễ dãi bất chấp các hệ quả về sinh thái, khí hậu, môi trường và xã hội. Bài tới sẽ xem xét khả năng này, đánh giá cơ hội của nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững sau cú sốc bệnh dịch.