Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng kết quả đàm phán trần nợ công, chứng khoán Mỹ "bừng tỉnh"

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư tin cuộc đàm phán nâng trần nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm hoàn tất.

Chứng khoán Mỹ hồi sắc xanh trong phiên ngày 15/5. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ hồi sắc xanh trong phiên ngày 15/5. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 15/5, chỉ số S&P 500 cộng 0,3% lên mức 4.136,28 điểm, Nasdaq Composite tăng 0,66% lên 12.365,21 điểm và chỉ số Dow Jones cũng nhích 0,14% lên mức 33.348,60 điểm, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp.

Giới đầu tư Phố Wall đang quan tâm sát cuộc đàm phán xoay quanh trần nợ của Mỹ, vốn đã bị hoãn sang đầu tuần này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14/5 nói rằng ông vẫn “lạc quan” tìm kiếm thỏa thuận về vấn đề trần nợ công với đảng Cộng hòa, qua đó ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công, tránh được những hệ lụy đến kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu.

Đàm phán về nâng trần nợ công giữa 2 Đảng tại Quốc hội Mỹ liên tục rơi vào bế tắc bất chấp cảnh báo rằng tình trạng vỡ nợ sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu cũng như làm lung lay vị thế của nền kinh tế số 1 thế giới. Trong khi Tổng thống Joe Biden mong muốn nâng trần nợ vô điều kiện thì các nghị sĩ đảng Cộng hòa lại yêu cầu cắt giảm chi tiêu công nếu muốn nâng trần nợ hiện ở mức kỷ lục 31.400 tỷ USD. 

“Dường như đã có tín hiệu lạc quan về cuộc đàm phán trần nợ công. Một phần có thể do nghệ thuật chính trị, song điều đó cũng giúp trấn an tâm lý nhà đầu tư trong phiên hôm nay” - Giám đốc đầu tư Josehph Sroka của công ty NovaPoint nói với Reuters.

Theo chuyên gia này, đảng Cộng hòa và Dân chủ đang chia rẽ và cuộc đàm phán này vì thế mang tính chất đối đầu, và cũng bị thổi phồng nhiều hơn so với bình thường.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục cảnh báo Washington có thể rơi vào cảnh vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử ngay vào ngày 1/6. Tuần trước, bà Yellen nói nếu trần nợ không được nâng kịp thời, Mỹ có thể sẽ đối mặt với một “thảm họa kinh tế”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Yellen cho rằng Mỹ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ. “Tôi rất hy vọng và tin rằng các cuộc đàm phán đang rất tích cực. Tôi được biết [hai bên] đã tìm thấy một số điểm chung”, bà cho biết trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal hôm 13/5.

Theo chiến lược gia trưởng về đầu tư John Stoltzfus của công ty Oppenheimer Asset Management, nhà đầu tư trên sàn Phố Wall cảm thấy phấn khích hơn khi đón nhận những “tin tốt” liên quan đến các cuộc đàm phán về trần nợ công. “Theo quan điểm của chúng tôi, tin tốt đối với thị trường trong ngày hôm nay là những nỗ lực nhằm giải quyết bất đồng về việc tăng trần nợ dường như đã được đẩy mạnh trong vài ngày qua” – chuyên gia Stoltzfus lưu ý thêm.

Cổ phiếu ngân hàng cũng có đợt phục hồi trong phiên giao dịch đầu tuần. SPDR S&P Regional Banking ETF (KRE) đã tăng 3,16% vào ngày 15/5, trong khi cổ phiếu của PacWest - ngân hàng gần đây vừa báo cáo tiền gửi giảm mạnh - đã tăng 17,6%. 

Trong ngày 15/5, các nhà đầu tư cũng đã xem xét dữ liệu tháng 5 của cuộc khảo sát Empire State Manufacturing [đánh giá mức độ tương đối về tình hình kinh doanh chung tại tiểu bang New York], cho thấy hoạt động sản xuất tại New York đang trên đà giảm tốc. Số liệu trong tháng 5 đã giảm khoảng 43 điểm so với tháng trước, xuống còn -31,8, thấp hơn ước tính của Dow Jones là -5.

Dự kiến trong tuần này, các nhà bán lẻ sẽ công bố báo cáo tài chính quý I/2023, cung cấp cho nhà đầu tư đánh giá cụ thể về tình hình tiêu dùng tại Mỹ. Home Depot sẽ báo cáo ngày 16/5, Target và Walmart sẽ lần lượt công bố kết quả kinh doanh vào ngày 17 và 18/5.

Một số liệu kinh tế quan trọng được nhà đầu tư chờ đợi trong tuần này là báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 4, dự kiến công bố vào ngày 17/5. Các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phát biểu trong tuần này, có thể sẽ đưa ra những tín hiệu về đường đi sắp tới của lãi suất.