Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI trừ Nhật Bản tăng 0,99% trong phiên 29/4, với hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều tăng điểm. Thị trường tài chính Nhật Bản đóng cửa hôm nay để nghỉ lễ.
Tăng mạnh nhất khu vực là thị trường chứng khoán Australia với chỉ số S&P/ASX 200 nhảy vọt 1,51% chốt phiên ở mức 5.393,40 điểm nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu của các ngân hàng lớn như Commonwealth Bank của Australia và Westpac lần lượt leo dốc 4%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI nhích 0,7% đóng cửa ở mức 1.947,56 điểm. Trong đó, cổ phiếu nặng ký Samsung Electronics tăng 0,2% sau khi báo cáo lợi nhuận ròng quý I đạt 4.900 tỷ won (gần 4,01 tỷ USD), thấp hơn dự báo của thị trường. Hơn nữa, Samsung Electronics dự báo lợi nhuận quý II có thể giảm so với quý I do dịch Covid-19 tác động mạnh đến nhu cầu tiêu thụ một số dòng sản phẩm cốt lõi của hãng.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục diễn biến trái chiều trong phiên 29/4 với chỉ số Shanghai Composite cộng 0,44%, lên mức 2.822,44 điểm, trong khi chỉ số Shenzhen Composite sụt nhẹ 0,105% xuống khoảng 1.730,74. Chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong tăng 0,1%.
Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 0,3%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,5% và KLCI của Malaysia tăng 0,4%.
FED dự kiến công bố quyết định lãi suất trong ngày 29/4. Nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ ban hành định hướng chính sách lãi suất trong thời gian tới trong bối cảnh Mỹ đang từng bước kích hoạt lại nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể không điều chỉnh gói nới lỏng định lượng hoặc lãi suất nữa nhưng có thể nhấn mạnh các chính sách kích thích sẽ được áp dụng vô thời hạn để hỗ trợ kinh tế.
Theo nhóm phân tích tại Mizuho Bank, thị trường đang chờ đợi hướng dẫn của FED về phương hướng điều hành lãi suất khi nền kinh tế dần được tái mở cửa. “Chúng tôi dự đoán FED sẽ không có bất cứ điều chỉnh nào về chính sách sau 2 lần hạ lãi suất khẩn cấp xuống gần 0%, nới lỏng định lượng không giới hạn và triển khai loạt chương trình cho vay quy mô lớn”.
“Nhiều khả năng FED sẽ chỉ đánh giá lại các động thái chính sách được công bố trước đó và hợp lý hóa các chính sách cho vay đã được thiết lập”, các chuyên gia Ngân hàng Mizuho nhận định.
Bên cạnh đó, trong phiên giao dịch này, tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn khi một số quốc gia châu Âu, Australia và một số bang tại Mỹ dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.
Tại châu Âu, Pháp đã trở thành quốc gia lớn mới nhất bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. Sau khi công bố kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 11/5, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 28/4 cho biết các cửa hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 11/5, song người dân vẫn nên tiếp tục làm việc tại nhà.
“Giới đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu với hy vọng thị trường chứng khoán sẽ nhanh chóng phục hồi khi các nước dần khởi động lại các hoạt động kinh tế” - chiến lược gia Drakeien Galy tại Nordea cho biết.
Thị trường đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý I của một số công ty lớn nhất như Apple, Amazon, Facebook để đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới khối doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, sụt giảm từ mức 99,885 về 99,698 điểm. Tỷ giá đồng yen Nhật Bản tăng mạnh và giao dịch 106,54 JPY/USD so với mức 107,2 JPY/USD thiết lập hôm qua, trong khi đô la Australia tăng so với USD được giao dịch với tỷ lệ 1 AUD/0,6533 USD./.