Lạm thu đầu năm: Không thể chỉ xử lý kiểu trả lại, nhắc nhở, kiểm điểm

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mới ngót một tháng kể từ khi bắt đầu năm học mới nhưng danh sách các trường học để xảy ra lạm thu đã khá dài; trong đó có những khoản thu gây sốc dư luận. Phải chăng chưa có vụ việc nào bị xử lý mạnh nên không nhà quản lý nào biết sợ?

Vì sao phụ huynh ngại ý kiến về thu- chi?

Trong buổi họp phụ huynh (PH) đầu năm học, bao giờ phân nửa thời gian cũng dành cho việc thành lập Ban phụ huynh (BPH) và bàn bạc các nội dung PH cần phối hợp, hỗ trợ trong năm học mà trọng tâm nhất là phổ biến, thống nhất mức thu quỹ BPH.

Nói là thống nhất nhưng đa phần PH đồng ý hoặc im lặng với mức quỹ do BPH đưa ra. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện ý kiến phản biện thì lập tức mọi con mắt đổ về như ngầm hỏi “không biết đây là PH của bạn nào?”.

 “Tại buổi họp PH của lớp con gái, khi nghe đại diện BPH đưa ra mức dự chi, có một số khoản tôi thấy không phù hợp nên có giơ tay phát biểu. Kết quả là, không một ai ủng hộ ý kiến của tôi. BPH đưa ra quan điểm bảo vệ mức dự chi ban đầu và phía dưới rầm rầm “đồng ý”. Lạ là, trước khi tôi có ý kiến, ít nhất 3 PH ngồi xung quanh cũng đồng quan điểm với tôi. Vậy nhưng khi tôi phát biểu, tuyệt nhiên không thấy ai nói gì. Tôi buồn bã tự hỏi mình đã sai hay mình quá dại khi phát biểu?”, chị Nguyễn Thu Hà, một PH lớp 3 kể lại.

Tại sao ý kiến phản đối đơn lẻ liên quan đến quỹ lớp đưa ra tại các buổi họp PH ít được ủng hộ, dù trùng lặp với suy nghĩ của nhiều người? Là bởi, họ không muốn bị mang tiếng là quá chi li tiểu tiết, không biết thương con; họ lo con họ bị bạn bè xa lánh, cô giáo không quan tâm; họ cũng bẽ bàng khi ý kiến của mình bị số đông át đi, hoặc bị nhìn là kẻ phá đám. Do vậy, dù lòng có nặng trĩu hay ấm ức thì tâm lý phụ huynh vẫn là “đóng cho xong”.

Thế mới xảy ra những câu chuyện gây giật mình như ở lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, khi BPH bàn bạc, đề xuất sửa và mua sắm toàn bộ trang thiết bị cho lớp để sử dụng trong 5 năm tiểu học với mức thu 10 triệu đồng/học sinh thì chẳng ai có ý kiến gì; 31/32 PH đã đóng góp số tiền quỹ lớp được hơn 310 triệu đồng. Đến khi BPH công khai cho biết đã chi trên 260 triệu đồng thì nhiều PH trong lớp tá hỏa phản ánh qua mạng xã hội, lúc này vụ việc mới được dư luận biết đến.

Khoản thu chi của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, huyện Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh gây xôn xao dư luận
Khoản thu chi của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, huyện Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh gây xôn xao dư luận

Trước đó, có 2 trường học tại tỉnh Hải Dương bị xướng tên trên mạng xã hội vì lạm thu và có dấu hiệu lạm thu, đó là Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Chí Linh) dự kiến thu 16 khoản; trong đó có đến hơn 1/2 khoản thu không đúng quy định. Hay đầu năm học mới, Trường THPT Thanh Miện đã tiến hành thu gần 9 triệu đồng/học sinh với 21 khoản.

Tại Hà Nội, mới đây lớp 12 của một trường THPT thu 4,5 triệu/học kỳ/học sinh; bảng tạm thu của một trường THCS (huyện Đông Anh) là 7,5 triệu đồng/học sinh hay bản dự trù kinh phí hoạt động của BPH một trường thuộc huyện Thanh Trì với số tiền ngót 500 triệu cũng khiến PH hoảng hốt.

Các khoản thu chi đầu năm đã được quy định trong các văn bản của Bộ, của Sở. Đơn cử, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT về điều lệ hoạt động của BPH có quy định rõ các khoản thu chi của BPH; tuy nhiên trên thực tế, hoạt động của BPH không theo nguyên tắc cụ thể, thậm chí đi ngược quy định như: Mức tiền quỹ vẫn chia đầu người (quy định là không chia bình quân); quỹ được chi cho tất cả những việc của lớp cần kinh phí (không loại trừ việc sửa lớp, trang bị cơ sở vật chất, trả lương lao công, bồi dưỡng bảo vệ...)… Và dù quỹ lớp đóng cao nhưng hầu như chưa bao giờ có phụ huynh nào nghe giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trao đổi về việc tiết giảm mức thu. Nghĩa là dù được BPH thông qua các khoản thu, mức thu quỹ nhưng không GVCN nào có ý kiến.

Cần xử lý mạnh tay nếu xảy ra lạm thu

Cách giải quyết phổ biến được áp dụng sau khi phát hiện đơn vị xảy ra lạm thu, đó là: Nghe báo cáo, thành lập đoàn kiểm tra, họp giải trình, trả lại tiền đã thu, nhắc nhở, quán triệt…. Những hình thức xử lý này dường như còn quá nhẹ, không đủ giác ngộ hay tác động đến các nhà trường, BPH, giáo viên để cùng rút kinh nghiệm. Ngược lại, vấn đề lạm thu ngày càng lộ liễu và số tiền thu/chi cũng khủng hơn.

Đêm 28/9, phụ huynh lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã được hoàn tiền quỹ (Ảnh: PHCC)
Đêm 28/9, phụ huynh lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã được hoàn tiền quỹ (Ảnh: PHCC)

Ngay trong đêm 28/9, Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh đã tổ chức họp PH và trả lại tiền hơn 310 triệu cho 31 PH của lớp 1/2 mặc dù chi phí đã chi cho việc sửa chữa lớp, mua sắm đồ dùng học tập của lớp học này trước đó là trên 260 triệu đồng. Với việc thu quỹ lớp 4,5 triệu/kỳ, trường THPT nọ đã triệu tập cuộc họp bất thường với GVCN các lớp để rà soát tình hình thu chi; quán triệt lại các văn bản liên quan, BPH lớp hoàn trả lại số tiền quỹ đã thu.

Trước thông tin phản ánh về bản thu chi gồm 25 đầu mục lên đến gần 500 triệu đồng của BPH một trường học thuộc huyện Thanh Trì, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát khẳng định, tinh thần chỉ đạo của huyện là xử lý nghiêm khắc tập thể, cá nhân vi phạm quy định liên quan đến công tác thu, chi và tuyệt đối không bao che cho hành vi vi phạm.

Điều đáng nói là, đầu tháng 8/2023, cũng tại địa bàn này đã xảy ra dư luận về lạm thu liên quan đến tiền điều hòa của một lớp học. Sau khi vào cuộc xác minh đã không ai bị xử lý mạnh; và rồi tình trạng lạm thu lại tái diễn trên địa bàn chỉ sau khoảng 1 tháng.

Hiện một số nhà trường trên cả nước đã và đang xử lý các tình huống khi bị tố lạm thu; trong đó hình thức xử lý vẫn chỉ dừng lại ở việc trả lại tiền phụ huynh, bị nhắc nhở, kiểm điểm…

“Tôi chắc chắn, các trường hợp bị phản ánh, phát hiện lạm thu mới là thiểu số; không ít nhà trường, đặc biệt là BPH đã thu số tiền vượt gấp nhiều lần so với quy định mà không hề có thái độ lo sợ. Các cơ quan quản lý cần cơ chế xử lý quyết liệt hơn, ví như trường nào/lớp nào xảy ra lạm thu thì hiệu trưởng/GVCN trường đó/lớp đó sẽ bị hạ thi đua, chuyển công tác…. chứ không chỉ cấm trên giấy rồi xử lý nhẹ tay.

Thêm nữa, các đơn vị chức năng cần có nhiều hình thức tiếp nhận phản ánh về tình trạng lạm thu và điều cần thiết nhất là phụ huynh hãy mạnh mẽ phản biện nếu thấy khoản thu chưa phù hợp. Chỉ có như vậy mới có thể hạn chế tình trạng lạm thu và không còn cảnh phụ huynh nộp những khoản thu tự nguyện trong ẩn ức", bạn đọc Ngô Văn Chi đề xuất.

 

Để tránh những bức xúc liên quan đến quỹ PH, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường thực hiện theo quy định tại Điều 10, Thông tư  55/2011/TT-BGDĐT.

Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức các khoản thu, chi theo phân cấp quản lý và xử lý nghiêm khắc, không để tình trạng ban đại diện cha mẹ học sinh thu gì mà giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường không nắm được và không có trách nhiệm liên quan.

Trước một số quy định không còn phù hợp, Sở GD&ĐT Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý của các nhà trường để đề xuất UBND TP điều chỉnh mức thu đảm bảo tính hợp lý.