Lao dốc mạnh nhất trong lịch sử: Dow Jones mất gần 1.200 điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á đỏ sàn sau khi các chỉ số chính của Phố Wall giảm mạnh khi nhà đầu tư lo ngại dịch COVID-19 có thể lan rộng ở Mỹ.

Các thị trường chứng khoán châu Á - khu vực đang ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới, đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 28/2 do nhà đầu tư tránh xa tài sản rủi ro khi lo ngại dịch bệnh lây lan rộng khắp toàn cầu.
Chứng khoán châu Á đỏ sàn trong phiên 28/2 do lo ngại dịch COVID-19 lan rộng.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hiện giảm mạnh nhất khu vực, với 4,2%. Trong khi đó, Topix sụt 4%. Số liệu công bố sáng nay cho thấy doanh số bán lẻ tại Nhật Bản tháng 1 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 2,7%.
Chứng khoán Trung Quốc cũng không tránh khỏi xu hướng lao dốc trên thị trường cổ phiếu khu vực. Chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite đều lần lượt giảm 3,37% và 4%.
Tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng lao dốc mạnh tới 10% so với mức cao nhất trong 52 tuần (được tính bằng cách sử dụng dữ liệu từ Refinitiv). Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 3%. Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương cũng mất 1,64%.
Hàng loạt thị trường khác trong khu vực, từ Malaysia, Singapore, Thái Lan đều lao dốc trong phiên này. Hiện chỉ số của Thái Lan đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh trong 52 tuần đạt được hồi đầu năm nay.
Việc dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc trong những ngày gần đây đang gây áp lực đối với tâm lý nhà đầu tư.
Tại Hàn Quốc, giới chức nước này hôm 28/2 thông báo có thêm 256 ca mắc virus SARS-CoV-2 mới, đưa tổng số người mắc dịch bệnh COVID-19 lên tới 2.022. Con số này ở Itaia là hơn 600. Dịch bệnh kéo dài sẽ càng tác động mạnh lên tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.
Các nhà phân tích Sonal Varma và Rebecca Wang của Nomura hôm 27/2 lưu ý rằng sự lây lan dịch bệnh COVID-19 ra nhiều nước đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chứng khoán Mỹ trong ngày 27/2 cũng chứng kiến phiên giảm điểm kỷ lục của chỉ số Dow Jones, khi “ bay” 1.190 điểm. Cả ba chỉ số chủ chốt của sàn Phố Wall Street, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều đóng cửa với mức giảm hơn 4%. Chứng khoán Mỹ đã đi xuống 6 phiên liên tiếp.
Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch đầy biến động do nhà đầu tư lo ngại dịch COVID-19 có thể lan rộng ở Mỹ. Một loạt cảnh báo từ các doanh nghiệp và chuyên gia phân tích về virus SARS-CoV-2 đã gây sức ép khiến các chỉ số chính đồng loạt rơi vào vùng điều chỉnh.
Chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh trong phiên 27/2.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/2, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 1.190,95 (tương đương 4,4%) xuống 25.766.64 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 4,4% còn 2.978,76 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite hạ 4,6% xuống 8.566,48 điểm.
Cổ phiếu lĩnh vực công nghệ và hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cổ phiếu của Microsoft giảm 2,8% sau khi cảnh báo các nhà đầu tư rằng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của công ty.
Dow Jones đã chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử vào ngày thứ Năm. S&P 500 cũng rớt mốc 3.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2019.
Đà giảm điểm đó đã đưa Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite rơi vào vùng điều chỉnh, khi lao dốc hơn 10% từ các mức cao kỷ lục. Dow Jones chỉ mất 10 phiên để suy giảm từ mức cao mọi thời đại vào vùng điều chỉnh. S&P 500 và Nasdaq Composite đã ghi nhận các mức cao kỷ lục hồi tuần trước.
Cả Dow Jones và S&P 500 đều chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2018, còn Nasdaq Composite có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011.
Dow Jones và S&P 500 cũng hướng đến tuần có giao dịch thê thảm nhất kể từ năm 2008. Cho đến cuối phiên ngày 27/2, Dow Jones đã lao dốc hơn 11% từ đầu tuần, trong khi S&P 500 sụt 10,8%.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 26/2 xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Mỹ không rõ nguồn gốc lây bệnh ở Bắc California, cho thấy khả năng “lây lan trong cộng đồng” của dịch bệnh này. Bệnh nhân không có lịch sử đi lại hay liên hệ sẽ khiến người bệnh gặp nguy cơ nhiễm bệnh, CDC cho biết. Thống đốc bang California, Gavin Newsom, hôm 27/2 cho biết bang này đang theo dõi 8,400 người có khả năng liên quan đến virus corona chủng mới.
Những lo ngại về việc COVID-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã làm chao đảo thị trường chứng khoán Mỹ cả tuần qua khi số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng.
Sự bùng phát dịch bệnh đã khiến một số công ty đưa ra cảnh báo về doanh thu và lợi nhuận. S&P 500 đã giảm phiên thứ 6 liên tiếp vào ngày thứ Năm, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 8/2019. Dow Jones cũng sụt giảm 6 phiên liên tiếp, chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2018.
Tính đến phiên ngày 27/2, chỉ số Dow Jones đã “bay” hơn 3,000 điểm trong tuần này.