Liên tiếp ngộ độc methanol trong rượu: Dân thờ ơ hay quản lý lỏng?

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp các vụ ngộ độc methanol do uống rượu xảy ra tại các tỉnh miền núi và ngay tại Hà Nội trong những ngày qua khiến không ít người rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”, thậm chí mất mạng.

Dù được cảnh tỉnh từ nhiều năm nay nhưng vì lợi nhuận, các cửa hàng vẫn kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Thanh tra, kiểm tra sẽ không thể kiểm soát hết nếu chính người dân còn chủ quan, thờ ơ với sức khỏe, mạng sống của mình.
Rượu không nguồn gốc rải khắp nơi
Tính đến ngày 12/3, chỉ riêng địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 24 trường hợp nhập viện điều trị do ngộ độc methanol trong rượu. Những bệnh nhân này cư trú tại 6 quận huyện: Đống Đa, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Trong đó, tập trung chủ yếu tại quận Cầu Giấy và Đống Đa. Không phải “mất bò mới lo làm chuồng”, ngay sau vụ 8 người tử vong vì rượu methanol tại Lai Châu, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh rượu bia. Điều đáng nói, kiểm tra bất cứ hàng nào cũng phát hiện rượu pha cồn, rượu không  rõ nguồn gốc nhưng việc truy xuất lại gặp nhiều khó khăn. Tính đến ngày 12/3, qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn, TP đã thu giữ niêm phong hơn 15.500 lít rượu không rõ nguồn gốc, tiêu hủy 140 lít, lấy mẫu xét nghiệm trên 264 mẫu và đã phát hiện 3 mẫu vượt giới hạn cho phép. Tổng số tiền xử phạt gần 400 triệu đồng.
 Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP Hà Nội kiểm tra rượu tại một cửa hàng ở quận Đống Đa. Ảnh: Hà Ngân 
Như trong vụ việc 9 sinh viên ngộ độc rượu methanol ở Cầu Giấy, công an đã lần ra được đầu mối của nguồn cung cấp rượu cho một cửa hàng nghi ngờ đã bán rượu cho nhóm sinh viên này. Với mức giá chỉ 7.000 – 8.000 đồng/chai 500ml, đầu mối này đã cung cấp rượu cho nhiều khu vực khác trong TP. Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ nhận định, rượu pha cồn đã len lỏi vào nhiều cửa hàng, thậm chí có trong cả các gia đình mà người dân không hay biết. Đã vậy, để trốn tránh kiểm tra, nhiều hộ kinh doanh cố tình cất giấu rượu. Điển hình như một cơ sở tại quận Nam Từ Liêm đã để hơn 1.000 lít rượu không rõ nguồn gốc “núp bóng” trong kho phế liệu. “Buôn bán rượu giờ không chỉ có ở các cửa hàng được cấp phép kinh doanh, mà ngay tại các cửa hàng tạp hóa, nơi bán gạo, bán vàng mã, hay đến cả cửa hàng… bán hoa cũng bán thêm rượu” - ông Tụ cho biết.
Theo Thông tư 60/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương, rượu là một trong những mặt hàng thuộc diện hạn chế kinh doanh nên các chủ kinh doanh, cửa hàng ăn uống có bán rượu buộc phải có đăng ký kinh doanh bán  rượu. Thực tế, tại các quán ăn vỉa hè thì giấy phép kinh doanh cũng không có chứ không nói đến giấy phép kinh doanh rượu. Thế nên, tại những cửa hàng bán gạo, bán vàng mã, bán hoa, việc có giấy phép kinh doanh bán rượu là điều không thể. Vậy nhưng, tình trạng này vẫn đang diễn ra mà thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Xử lý thật nghiêm
Nhận định về tình trạng ngộ độc rượu methanol đang có xu hướng gia tăng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, một phần cũng do sự chủ quan của người dân: “Nhiều người ham rẻ, nhất là những người lao động nghèo thường không chú trọng đến nguồn gốc rượu khi mua hay “bạ đâu uống đấy”, coi thường tính mạng chính mình”. Do vậy, ngoài việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì chính người dân cũng cần chủ động tìm hiểu rõ nguồn gốc của loại rượu định uống.

Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hải Thanh

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho rằng, giải pháp lâu dài quản lý rượu tự nấu là cơ quan quản lý phải nắm được hiện trên địa bàn TP có bao nhiêu cơ sở nấu rượu, pha chế rượu đóng chai để bán. Sau đó, tập trung tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về ATVSTP. Mặt khác, cơ quan chức năng phải giám sát được những cơ sở cung cấp rượu về Hà Nội từ các địa phương giáp ranh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo ATTP TP Hà Nội diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Công an TP phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ ngộ độc rượu methanol trên địa bàn. Nếu phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm, không dung túng, nể nang.
Khởi tố điều tra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng
Phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi vi phạm quy định VSATTP sau vụ việc nhiều SV trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cùng quê Gia Lai bị ngộ độc do uống rượu có chứa chất methanol ngày 8/3.
Theo thông tin xác minh ban đầu, các SV bị ngộ độc đã mua rượu tại ngõ 259 phố Yên Hòa, Cầu Giấy. Nguồn gốc rượu bán tại đây được cung cấp bởi một cơ sở ở Thanh Oai. Cơ sở này sản xuất dán nhãn mác rượu gia truyền - rượu Duy Hảo và đóng trong các chai thủy tinh 300 - 330ml, hoặc không có tem nhãn đóng trong chai 500ml, can nhựa đối với rượu trắng và cung cấp cho nhiều hàng ăn và tạp hóa với giá khoảng 8.000 đồng/chai 500ml.
Hiện tại, cơ quan công an đã lấy mẫu rượu còn lại tại nhà trọ của các SV và của cơ sở sản xuất nêu trên để kiểm tra, làm rõ mức độc hại. Đồng thời, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi sản xuất, tàng trữ, kinh doanh mua bán rượu không rõ nguồn gốc. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cơ quan công an sẽ vào cuộc xử lý hình sự.(Tuấn Kiệt)

Ngay sau sự việc 9 sinh viên ngộ độc rượu methanol, sáng 11/3, chúng tôi đã triệu tập hơn 100 hộ dân sống xung quanh khu vực xóm trọ xảy ra vụ việc và các hộ kinh doanh rượu trên địa bàn phường đến trụ sở UBND phường để tuyên truyền về phòng chống ngộ độc rượu methanol. Cùng với đó, phường đã quyết liệt trong kiểm tra, rà soát các cửa hàng bán rượu, thu giữ 70 lít rượu không rõ nguồn gốc.
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy  Trần Hải Yến