Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng thẻ tín dụng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Mới đây, một khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh nhận được thông báo của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) với số tiền phát sinh nợ gần 11 năm, từ 8,5 triệu đồng lên đến 8,8 tỷ đồng.

Eximbank cho biết, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, ông P.H.A vẫn chưa đưa ra phương án xử lý nợ. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông P.H.A (người có tên trong “công văn nhắc nợ quá hạn" được gửi từ Eximbank) thì câu chuyện "nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng" lại có nhiều điểm khác.

Theo ông P.H.A, năm 2013, ông có nhờ nhân viên của Ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh mở thẻ tín dụng, với hạn mức là 10 triệu đồng. “Sau khi ký xong hợp đồng, nhân viên nói rằng mức lương của tôi thấp (hơn 3 triệu đồng/tháng) không đủ để mở thẻ tín dụng, nhưng bạn ấy nói sẽ xin sếp sau. Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn nghĩ là mình không làm được thẻ nhưng sau mới biết là thẻ đó vẫn làm được và bạn ấy đã rút tiền trong thẻ để tiêu xài. Sau đó tôi được biết bạn này đã nghỉ việc và đi nơi khác” - ông P.H.A thông tin.

Dù thông tin từ hai phía có nhiều điểm khác nhau, để biết bên nào đúng, bên nào sai và số nợ vài triệu đồng hóa thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm có chính xác hay không thì cần phải kiểm tra rõ thông tin từ hồ sơ, hợp đồng giữa hai bên.

Nhưng câu chuyện này gây xôn xao dư luận vì số liền lãi quá “khủng” so với số tiền gốc lúc phát sinh dư nợ. Ngoài lãi suất, giới chuyên môn cũng cho rằng cần xem lại thủ tục nhắc nợ của Eximbank. Vì sao khách hàng để đến thời gian lâu như vậy mà không trả để từ dư nợ hàng triệu đã phát sinh thêm đến "ba số không". Đáng lẽ ngân hàng 1 - 2 năm không đòi được thì phải tạm dừng và khóa thẻ, tiến hành thủ tục kiện, thu hồi nợ. Ngân hàng có quy trình được thiết kế tốt sẽ không để việc tính lãi cho khoản vay 8,5 triệu đồng lên đến 8,8 tỷ đồng.

Hiện nay, vay tiêu dùng thông qua hình thức mở thẻ tín dụng ngày càng trở nên dễ dàng, khi khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh Nhân dân/căn cước công dân là có thể vay được. Vậy nên, thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp người tiêu dùng mắc phải nợ xấu, bởi lý do vô ý hoặc bị đánh cắp thông tin dù không vay vốn ngân hàng hay một tổ chức cá nhân nào khác. Vấn đề này khiến cho nhiều người đã, đang và có ý định sử dụng thẻ tín dụng không khỏi lo lắng về nguy cơ những khoản vay tiêu dùng cá nhân rơi vào nợ xấu.

Do đó, để tự bảo vệ mình, người dân tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh căn cước công dân; không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân/chứng minh Nhân dân hoặc tài khoản ngân hàng, nếu không có mục đích chính đáng. Người dân rất có thể vô tình thành con nợ của ngân hàng, các tổ chức tín dụng.

Trong trường hợp có nhu cầu mở thẻ tín dụng, trước khi quyết định vay vốn, người vay cần tự đánh giá năng lực trả nợ của bản thân, đồng thời lên kế hoạch cụ thể cho lộ trình thanh toán các khoản vay bao gồm trường hợp có biến cố xảy ra. Cùng với đó, người vay cần hiểu rõ các điều khoản trả nợ được thể hiện trong hợp đồng tín dụng và nghiêm túc tuân thủ việc trả nợ đúng hạn.

Về phía ngân hàng, việc chạy đua phát hành thẻ thời gian qua của các ngân hàng đã kéo theo lỗ hổng trong xét duyệt, giải ngân, bỏ ngỏ các quy định về an toàn với phân khúc này. Nợ xấu do thẻ tín dụng đã tăng lên rất lớn, hệ quả của việc ngân hàng dễ dãi trong phát hành thẻ. Ngân hàng Nhà nước nên yêu cầu các ngân hàng rà soát toàn bộ hoạt động phát hành thẻ, siết lại quy định để tránh rủi ro cho người dân và cả chính ngân hàng.