Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng tuyển dụng

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Cứ nghĩ rằng chỉ có thời nhà thơ Nguyễn Khuyến mới phải dùng cụm từ “Tiến sĩ giấy”, nhưng mấy ngày nay dư luận lại được phen ngỡ ngàng với “Tiến sĩ dởm” để chỉ về vị dùng bằng tiến sĩ giả làm đến vị trí lãnh đạo khoa của một trường cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh.

Đến cả người trong ngành - giảng viên các trường đại học, cao đẳng cũng đang không hiểu nổi lại có chuyện nực cười như thế tồn tại nhiều năm trong ngành giáo dục. Sự việc này khiến niềm tin về chất lượng đào tạo đại học càng bị hoài nghi.

Nhắc lại hành vi lửa đảo của vị “Tiến sĩ dởm” Nguyễn Trường Hải: từ năm 2016 - 2018, ông Hải đã dùng bằng tiến sĩ giả ngành khoa học máy tính - một ngành rất hot hiện nay, làm giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường đại học có tiếng trong cả nước. Thậm chí, vào đầu tháng 11/2023, “Tiến sĩ dởm” Nguyễn Trường Hải còn được xem xét bổ nhiệm vị trí trưởng khoa của một trường cao đẳng. Phải đến khi thực hiện quy trình thẩm tra hồ sơ cán bộ, và cũng có cả câu chuyện phanh phui từ đơn thư nên mới sáng tỏ tấm bằng Tiến sĩ Khoa học máy tính của ông Nguyễn Trường Hải không có trong dữ liệu nghiên cứu sinh của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Việc một người sử dụng cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ đều giả vẫn làm giảng viên, thậm chí lãnh đạo khoa của nhiều trường đại học, cao đẳng thể hiện rõ sự dễ dãi trong khâu tuyển dụng nhân sự ở những trường đó. Khi thông tin này được phanh phui, các trường từng mời ông Nguyễn Trường Hải làm giảng viên thỉnh giảng mới tá hỏa rà soát quy trình.

Có trăm ngàn lý do để đổ lỗi, và trong đó có cả lỗi do dịch bệnh Covid-19 nên việc xác nhận bằng cấp phải thực hiện qua hình thức online. Dẫu có giải thích thế nào thì đây được xem là tin sốc của giáo dục đào tạo đại học. Đặc biệt là chất lượng dạy học. Nguyên nhân xuất phát từ việc các trường mắc bệnh sính bằng cấp, chạy đua tuyển dụng người có bằng tiến sĩ vào làm giảng viên để tăng chỉ tiêu tuyển sinh, hoàn toàn không quan tâm gì đến chất lượng. Nghĩa là tuyển người giảng dạy thông qua tấm bằng chứ không phải thông qua người.

Khâu tuyển dụng thực hiện đúng quy trình phải qua hội đồng tuyển dụng. Khi ứng viên nộp hồ sơ, hội đồng phải có trách nhiệm xem xét kỹ từng loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ. Đối với người có trình độ tiến sĩ còn phải xác minh kỹ lý lịch khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình tuyển người thỉnh giảng chủ yếu vẫn là qua người giảng tự khai báo. Gần như các đơn vị chỉ chú ý lý lịch khoa học đã dạy ở trường nào, có bao nhiêu nghiên cứu, bằng cấp ra sao. Mặt khác, việc thỉnh giảng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nên không chú ý đến xác thực bằng cấp. Đây là lỗ hổng của quy trình tuyển dụng người thỉnh giảng cần sớm phải chấn chỉnh.

Theo các chuyên gia, muốn lấp được lỗ hổng này, Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu văn bẳng chứng chỉ để tiện cho công việc tra cứu. Bởi vì, hiện nay hệ thống thông tin bằng cấp không minh bạch và thủ tục thẩm tra phức tạp, nên các đơn vị hay lược bớt các quy trình và hay xảy ra sai sót.