Đại dịch Covid-19 đã để lại cho TP Hồ Chí Minh và cả nước nhiều đau thương cũng như bài học xương máu. Cho đến nay và mãi về sau, ám ảnh về những cái chết thương tâm của bệnh nhân Covid-19 sẽ vẫn còn nặng trĩu. Nhiều bài học được rút ra, trong đó là bài học về sự yếu kém của y tế cơ sở, khó có thể đương đầu, trụ vững trước đại dịch.
Khủng hoảng Covid-19 gây tổn thất nặng nề tại TP Hồ Chí Minh, địa phương này chiếm khoảng 80% số ca tử vong toàn quốc. Sau hơn 4 tháng chống chọi với dịch bệnh, hơn 16.000 người qua đời vì Covid-19. Điều đáng nói, có tình trạng bệnh nhân chết tại nhà và cả ở ngay “tầng đầu” của hệ thống bệnh viện, vốn không phải là nơi điều trị bệnh nhân nặng nhất. Lý do vì sao?
Theo các chuyên gia y tế, trước hết, Việt Nam từ trước đến nay chưa có kinh nghiệm chống đại dịch nào khủng khiếp như Covid-19 nên mọi thứ trở nên lúng túng. Sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực y tế, đặc biệt y tế tuyến cơ sở là câu chuyện cần được nhìn nhận lại nghiêm túc để có sự đầu tư đúng hướng.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Đại – chuyên gia y tế, khi nói đến hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân nói chung, chăm sóc bệnh nhân do dịch bệnh nói riêng, giai đoạn quan trọng hàng đầu chính là giai đoạn tại cơ sở. Nơi đó chứa nhiều bệnh nhân nhất, từ thể bệnh nhẹ nhất, đa dạng nhất, đối với nhân viên y tế phải thực hiện tốt công tác sàng lọc, tư vấn, chăm sóc thì sẽ nhẹ gánh cho tuyến trên, giảm thiểu tối đa tử vong. Khi đó, các “tháp” của tuyến trên chỉ tập trung điều trị bệnh nhân mức nặng vừa và rất nặng.
Còn đối với người dân cần được trang bị cho mình kiến thức để tự bảo vệ, phòng bệnh, khi nhiễm bệnh rồi thì biết cách săm sóc bản thân. Đây là những nội dung thiết yếu mà y tế cơ sở phải truyền thông và thực hành tốt.
Nhưng khi dịch bùng phát, TP Hồ Chí Minh thiếu đủ thứ, dù được sự hỗ trợ của Bộ Y tế cùng các địa phương khác, tất cả các tuyến đều không trụ vững trước đại dịch. Hệ thống y tế bị “vỡ trận”, “vỡ” ngay từ “mặt trận tuyến đầu” là tuyến gần dân nhất. Đó là trạm y tế xã, phường, là các trung tâm y tế quận, huyện không đủ lực để làm tròn vai trò, sứ mệnh của mình. Bệnh nhân ùn ùn chuyển vào bệnh viện, diễn biến nhanh, chuyển từ tháp thấp nhất đến tháp cao nhất, thậm chí tử vong ngay trên đường chuyển viện và tử vong ngay ở từ tháp đầu tiên.
Bác sĩ Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Môi trường, Bộ Y tế ví, việc điều trị Covid-19 như việc “dập lửa”. Nếu lửa mới bắt đầu nhen nhóm nhỏ, mà dập ngay lập tức thì không thành đám lửa lớn. Đợi đến khi đám lửa đã bùng lên, dập cực kỳ khó khăn. Lúc này, chính là cần nhất tuyến y tế cơ sở. Nhưng TP Hồ Chí Minh đã bị vỡ ngay từ tuyến đầu, nên thảm họa tử vong. Hơn 17.000 ca tử vong cho đến thời điểm giữa tháng 11/2021, quá khủng khiếp. Chưa có 1 đại dịch nào mà số thương vong nhiều đến thế chỉ trong một thời gian ngắn.
Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chỉ có 8 biên chế và 2 nhân viên hợp đồng, trong khi phường Bình Chiểu có đến 80.000 dân. Đầu tháng 7/2021, khi cao điểm dịch bùng phát, có ngày trạm phải tiếp nhận hơn 100 ca bệnh; nhân lực của trạm không còn đáp ứng được yêu cầu truy vết, thăm khám cho người dân.
Khi lực lượng chi viện rút đi, bác sĩ Lê Bá Kông - Trạm y tế phường Bình Chiểu bày tỏ lo ngại sẽ rất khó khăn nếu không được bổ sung nhân lực. Theo ông, việc thu hút được nhân lực cho tuyến y tế cơ sở không hề đơn giản. Ngay cả sinh viên mới ra trường cũng không chọn về tuyến y tế cơ sở. Nơi họ chọn thường là các bệnh viện vì làm việc ở bệnh viện “có giá” hơn nhiều! Bác sĩ Lê Bá Kông cũng như nhiều bác sĩ tuyến cơ sở tại TP Hồ Chí Minh đề nghị ngành y tế quan tâm cụ thể đến y tế cơ sở như có chính sách đào tạo, nâng cao chế độ lương, phụ cấp...
Đề cập đến bất cập của tuyến y tế cơ sở, bác sĩ Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh cho rằng, niềm tin của người bệnh với trạm y tế còn thấp bởi thiếu cán bộ y tế cả về số lượng và chất lượng. Quy định biên chế trạm y tế có từ 5 - 10 người chỉ phù hợp với phường xã khoảng 10.000 - 20.000 dân, trong khi nhiều phường ở TP Hồ Chí Minh có hơn 100.000 dân. “Tôi kiến nghị tăng định biên cho trạm y tế phường xã theo quy mô và mật độ dân số, theo hướng từ 2.000 - 4.000 dân/1 biên chế” – bác sĩ Giang đề xuất.
Ông cũng cho rằng, cần thay đổi cơ cấu cán bộ, đảm bảo trạm y tế phải có bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, dược tá, điều dưỡng, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và số liệu. Ở nơi có nhiều biên chế hơn sẽ có thêm bác sĩ gia đình... Cần có cơ chế, chính sách tăng thu nhập cho y bác sĩ cơ sở.
Về hoạt động khám chữa bệnh, trạm y tế cần có đủ thuốc, nhất là thuốc cho người mắc bệnh mãn tính, với nguyên tắc trạm y tế phải có đủ thuốc tốt như ở bệnh viện. Cùng với đó mở ra chính sách chăm sóc người bệnh tại nhà, trước tiên là người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi, người khó khăn trong việc đi lại...
Nếu có được những cơ chế trên, mới mong thay đổi được tuyến y tế gần dân nhất, đảm đương được công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như ứng phó được khi xảy ra dịch bệnh.
Khi TP Hồ Chí Minh đã đi qua đỉnh dịch, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch. Trong 10 bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn chống dịch, thì có bài học về ứng phó của y tế cơ sở.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định: “Về công tác dự báo chưa theo kịp diễn tiến của dịch Covid-19. Kỹ thuật xét nghiệm Real time – PCR và năng lực xét nghiệm chưa tương xứng với tốc độ lây lan của biến chủng Delta; y tế cơ sở chưa phát huy tot vai trò của mình.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, có nhiều áp lực mà TP Hồ Chí Minh và lực lượng y tế phải trải qua trong cùng một thời điểm, số lượng quá đông, hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng, việc chăm sóc y tế còn nhiều hạn chế vào lúc đỉnh dịch.
Ông Châu cho rằng, cần phải kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng từ thành phố đến phường, xã. Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút và đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, nhất là trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, bên cạnh công tác dự phòng, việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là ưu tiên trọng tâm đối với các địa phương để giảm thấp nhất các trường hợp tử vong. Từ thực tiễn chống dịch, Bộ trưởng đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh đến công tác tổ chức khám, chữa bệnh nói chung, đặc biệt là điều trị bệnh nhân Covid-19 nói riêng. Bộ Y tế mong muốn tất cả người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế đảm bảo nhanh nhất, thuận tiện, chất lượng nhất cho bệnh nhân. Nhưng thực tế, khi dịch bệnh xảy ra, hệ thống y tế ban đầu nhiều địa phương đã không đáp ứng được.
Qua vụ dịch lần này, các chuyên gia y tế cũng như lãnh đạo Bộ Y tế đều khẳng định, trong thời gian tới, cần tập trung hơn nữa đầu tư cho y tế cơ sở. Muốn thay đổi điều đó, không dễ, nhưng nếu không thay đổi, y tế cơ sở sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc y tế ngay tại tuyến ban đầu, đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh.(Còn nữa)
09:17 14/11/2021