Lực bán tăng mạnh trên sàn Phố Wall, Dow Jones lao dốc hơn 400 điểm

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/4, khi dữ liệu kinh tế ảm đạm làm tăng lo ngại về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các chỉ số chính của sàn Phố Wall đều giảm mạnh khi các ngân hàng báo cáo lợi nhuận yếu kém, dấy lên nỗi lo về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số Dow Jones rớt 445.41 điểm (tương đương 1,9%) xuống 23.504,35 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 2,2% còn 2.783,36 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,4% xuống 8.393,18 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 1/4/2020.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 15/4.
Dẫn đầu đà lao dốc trong phiên là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu của Bank of America giảm hơn 6% sau công bố báo cáo lợi nhuận kém tích cực. Cổ phiếu Citigroup cũng mất hơn 5%. Năng lượng, vật liệu và tài chính là những lĩnh vực giảm mạnh nhất trong S&P 500, khi đều mất hơn 4%.
Doanh số bán lẻ tháng 3 của Mỹ có mức giảm kỷ lục 8,7%, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu theo dõi dữ liệu này năm 1992. "Những điều chúng ta dự đoán có thể đã bắt đầu xảy ra. Các con số này phản ánh tác động từ việc đóng cửa nền kinh tế. Câu hỏi hiện nay là liệu sẽ mất bao lâu để nền kinh tế trở lại như cũ" - Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại Prudential Financial nhận định.
Chính phủ Mỹ cho biết nhu cầu với các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và các nhà bán lẻ hàng hóa thiết yếu đã tăng vọt trong tháng trước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại nhiều ngành kinh doanh khác, như trạm xăng, đại lý ô tô và nhà hàng, đã lao dốc khi chính sách cách ly xã hội được áp dụng.
Bên cạnh đó, các chỉ số đánh giá sản xuất tại New York cũng sụt giảm với biên độ lớn nhất từ trước đến nay, thấp hơn cả thời kỳ Đại Suy Thoái. Chỉ số sản xuất Empire State Manufacturing Index ở mức -78,2, thấp hơn mức -34,3 trong khủng hoảng tài chính 2009.
Với các thông tin tiêu cực liên tiếp được đưa ra, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã đẩy mạnh bán ra, đẩy phố Wall giảm trở lại trong phiên thứ Tư, trả hơn nửa những gì đã có trong phiên thứ Ba.
"Điều này là dấu hiệu sắp dẫn tới một cuộc suy giảm rất nghiêm trọng bởi đây chỉ là sự khởi đầu. Vấn đề là người tiêu dùng không chi tiêu", chuyên gia trưởng về thị trường Peter Cardillo tại Spartan Capital Securities nhận xét, "Điều này có ý nghĩa gì? Theo tôi, chúng ta có thể sẽ chứng kiếnmột đỉnh ngắn hạn của thị trường tại đây".
Ngân hàng, một trong lĩnh vực đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, đã đưa ra một đánh giá đầu tiên về thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra đối vớ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các ngân hàng lớn tại Mỹ đều báo cáo lợi nhuận giảm hơn 40% khi họ phải dành dự phòng hàng tỷ USD để xử lý rủi ro đối với các khoản vay, thẻ tín dụng và thế chấp. 
Ngân hàng Bank of America cho biết lợi nhuận trong quý I giảm 45% khi dự phòng rủi ro cho vay tăng 3,6 tỷ USD do sự bùng phát của dịch Covid-19. Cổ phiếu của Goldman Sachs cũng giảm hơn 3% sau khi ngân hàng này báo cáo lợi nhuận giảm 46% lợi nhuận trong quý đầu tiên. Theo báo cáo mới nhất, lợi nhuận của Citigroup trong quý I cũng sụt 46% khi phải dự phòng rủi ro nhiều hơn với các khoản vay./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần