Khả năng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang hôm 4/4 khi cả 2 bên đều áp đặt mức thuế lên các mặt hàng nhập khẩu thuộc các lĩnh vực chiến lược.
Với chính quyền Tổng thống Donald Trump, mục đích của việc khởi mào các biện pháp trừng phạt này không chỉ nhắm vào mục đích giảm thâm hụt thương mại mà còn nhằm hạn chế kế hoạch thống trị ngành công nghệ cao dưới kế hoạch mang tên “Made in China 2025” - Sản xuất tại Trung Quốc 2025.
“Made in China 2025” là gì?
Đây là một chính sách công nghiệp được Bắc Kinh thông qua năm 2015, đề ra kế hoạch nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược như robot, thiết bị bán dẫn, hàng không và phương tiện giao thông năng lượng mới. Mục tiêu cụ thể là tự cung cấp 70% các thành phần cốt lõi và nguyên liệu cơ bản trong các ngành công nghiệp như thiết bị hàng không và sản xuất thiết bị viễn thông.
Mục đích quan trọng là độc lập về công nghệ, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, và khiến Trung Quốc không còn dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt thương mại, Jianmin Jin, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Fujitsu, Nhật Bản cho biết.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ lưỡng khái niệm "Công nghiệp 4.0" của Đức, cho thấy các công nghệ tiên tiến như cảm biến không dây và robot học khi kết hợp với Internet có thể mang lại hiệu quả đáng kể về năng suất, hiệu quả và độ chính xác ", Lorand Laskai, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York.
Mỹ lo ngại điều gì?
Mức độ lo ngại của Mỹ đã được thể hiện trong một báo cáo được đưa ra bởi Văn phòng đại diện thương mại Mỹ hôm 22/3. Mặc dù nhắm đến việc chỉ ra các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh, báo cáo này đưa Made in China 2025 ra như một ví dụ về kế hoạch đặc biệt của Trung Quốc. “Made in China 2025” được nhắc tới hơn 100 lần trong bản báo cáo dài 200 trang.
Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc đang nỗ lực giành lấy vị trí dẫn đầu trong ngành robot, được xem là động lực tăng trưởng trong thế kỷ 21. “Điều này không có lợi cho Mỹ”, đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói trước Ủy ban Tài chính của Thượng viện tháng trước.
Nhằm bảo vệ quan điểm này, Washington cáo buộc Bắc Kinh có các hoạt động không công bằng như buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.
Mỹ đang có mức thâm hụt thương mại kỷ lục với Trung Quốc: 375 tỷ USD vào năm 2017. Tổng thống Trump tuyên bố, ông muốn giảm mức này xuống còn 100 tỷ USD. Nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Fujitsu cho rằng, việc áp thuế sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump dường như quan ngại đến các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong tương lai gần hơn là cân bằng thương mại giữa 2 nước.
Trung Quốc ngay lập tức lên án hành động của Mỹ và tuyên bố sẽ có "các biện pháp tương xứng có cùng cường độ và quy mô đối với các sản phẩm của Mỹ".
Hôm qua, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố kế hoạch áp đặt mức thuế đối với 50 tỉ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm cả đậu nành. Trước đó, hôm 1/4, Bắc Kinh đã đưa ra mức thuế từ 15% đến 25% đối với hàng hóa của Mỹ trị nhằm trả đũa việc áp thuế vớ thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ.
Lệnh trừng phạt “50 tỷ USD” có thực sự được thực thi?
Các nhà kinh tế, trong đó có Minoru Kaneko, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Daiwa và cựu quan chức thương mại Nhật Bản cho rằng, Trung Quố sẽ cố gắng đàm phán với Mỹ để tránh một cuộc chiến thương mại trên diện rộng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin được cho là đang cân nhắc chuyến đi tới Trung Quốc để họp với ông Liu He, cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các nhà đầu tư đang ngóng chờ các diễn biến mới tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao diễn ra từ 8-11/4 tại đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu và hy vọng giải quyết một số vấn đề mà Mỹ quan tâm như tiếp cận thị trường và mất cân bằng thương mại.
Tuy nhiên, ít người hy vọng Bắc Kinh sẽ thay đổi lộ trình hiện đại hoá ngành công nghiệp chiến lược của mình để trở thành siêu cường.