Mở "đường cao tốc" cho kết nối thúc đẩy phát triển hạ tầng số
Kinhtedothi - Hiện nay các nhà mạng trong nước đã phát triển các giải pháp tích hợp kết nối Internet cáp quang với công nghệ wi-fi thế hệ mới (wi-fi 6E, wi-fi 7) mang lại khả năng truyền tải mạnh mẽ, độ trễ thấp, vùng phủ rộng, đáp ứng nhu cầu kết nối đa thiết bị...

Phiên họp lần thứ 1 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ảnh: VGP.
Bước tiến trong hạ tầng số
Trong báo cáo tại phiên họp lần thứ 1 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, nhiều hạ tầng liên tục được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu về phát triển, theo tinh thần Nghị quyết 57. Trong đó, 89,6% thuê bao di động tại Việt Nam được ghi nhận sử dụng điện thoại thông minh.
Trong tháng 2/2025, tốc độ tải xuống băng rộng di động đạt 144,5 Mbps, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 19 trong số 103 quốc gia. So với tháng 12/2024, tốc độ này tăng 66,17%, thăng hạng 18 bậc, cho thấy sự tiến bộ của mạng di động trong nước, đặc biệt sau khi 5G chính thức được thương mại hóa.
Hạ tầng viễn thông băng rộng cố định tiếp tục phát triển với 83,3% hộ gia đình sử dụng cáp quang. Trong tháng 2/2025, tốc độ tải xuống băng rộng cố định đạt 164,77Mbps, đưa Việt Nam xếp thứ 35 trong số 154 quốc gia và tăng 3,42% so với cuối năn 2024, góp phần đảm bảo kết nối Internet ổn định và tốc độ cao.
Hạ tầng dữ liệu cũng là một thành phần quan trọng trong bức tranh về hạ tầng số. Việt Nam hiện có 4 doanh nghiệp dự kiến đầu tư trung tâm dữ liệu quy mô lớn (hyper scale) với tổng công suất đến 220 MW.
Việt Nam đang tập trung vào mở rộng và nâng cấp hạ tầng băng thông rộng trên toàn quốc. Các khu vực trọng điểm như thành phố lớn, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cơ quan nhà nước được ưu tiên đầu tư.
Tăng tốc độ kết nối
Mới đây, Bộ KH&CN đã ban hành 2 Thông tư quan trọng liên quan đến mở rộng dung lượng kết nối cho mạng wi-fi và mạng 5G. Đây được coi là bước đi chiến lược nhằm hỗ trợ các nhà mạng tăng tốc độ kết nối đáp ứng nhu cầu sử dụng các thiết bị không dây của người dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế số…
Thông tư số 01/2025/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT ngày 14/10/2021 đã phê duyệt bổ sung 500 MHz phổ tần trong băng tần 6 GHz (dải tần 5925 - 6425 MHz) cho các thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN/RLAN), thường được biết đến là wi-fi, được hoạt động theo hình thức miễn cấp phép. Quy định mới đánh dấu sự mở rộng về phổ tần dành cho wi-fi tại Việt Nam, tăng thêm gần 75% so với tổng lượng phổ tần wi-fi hiện có (khoảng 663,5 MHz tại các băng tần 2,4 GHz và 5 GHz).
Bên cạnh đó, quy định mới được nhận định sẽ mở đường cho các thiết bị wi-fi thế hệ mới như wi-fi 6E và wi-fi 7 hoạt động tại Việt Nam với đầy đủ tính năng và băng thông tối đa, cung cấp tốc độ kết nối vượt trội, cải thiện rõ rệt trải nghiệm sử dụng Internet không dây của cả người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Cùng với đó, Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN về Quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ cố định băng tần 71-76GHz và 81-86GHz, trong đó quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho nghiệp vụ cố định băng tần 71-76GHz và 81-86GHz (còn gọi là băng tần E) cũng nhằm tạo thuận lợi cho triển khai hạ tầng truyền dẫn tốc độ siêu cao để phát triển mạng 5G trên toàn quốc.
Ngay sau khi Bộ KH&CN quy hoạch bổ sung thêm 500MHz thuộc băng tần 6GHz cho mạng wi-fi theo hình thức miễn cấp phép, ngay trong đầu tháng 4 này, các nhà mạng VNPT, Viettel, FPT đã lần lượt công bố việc nâng cấp gói cước internet cố định tối thiểu lên tốc độ 300Mbps áp dụng cho tất cả khách hàng được tận hưởng internet tốc độ siêu cao, giá không đổi và cạnh tranh.
Cũng từ đầu tháng 4, Tổng công ty Mạng Viettel thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đưa vào vận hành tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Direct Cable (ADC) với dung lượng tối đa là 50Tbps. Đây là tuyến cáp quang biển lớn nhất Việt Nam và bằng 125% lần tổng dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam trước khi tuyến ADC vận hành. Trước mắt, Viettel đưa vào sử dụng một phần dung lượng trên tuyến ADC để nâng cao năng lực kết nối quốc tế, đáp ứng các nhu cầu mới về dữ liệu và tăng trải nghiệm khách hàng khi sử dụng các dịch vụ Internet…
Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là trụ cột, là khâu đột phá, thì việc mở "đường cao tốc" cho phát triển hạ tầng số phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia là điều kiện cần và rất quan trọng.

Hạ tầng số và những bước tiến vượt bậc
Kinhtedothi - Tốc độ Internet Việt Nam lần đầu vào top 20 toàn cầu sau khi mạng 5G mở rộng. Đây là một trong những điểm nhấn về hạ tầng viễn thông nói riêng, hạ tầng số nói chung tại Việt Nam thời gian qua.

Trí tuệ nhân tạo: "hạ tầng số" phổ biến trong mọi lĩnh vực
Kinhtedothi - Trong kỷ nguyên số hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ngoài đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của kinh tế số, AI còn được xem như một "hạ tầng số" phổ biến trong mọi lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, du lịch đến y tế…

Việt Nam ưu tiên phát triển hạ tầng số thiết yếu
Kinhtedothi - Phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, ưu tiên các thành phần hạ tầng số thiết yếu như mạng 5G phủ rộng, trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế, cáp quang biển, vệ tinh viễn thông… là định hướng lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong năm 2025.