Việt Nam ưu tiên phát triển hạ tầng số thiết yếu
Kinhtedothi - Phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, ưu tiên các thành phần hạ tầng số thiết yếu như mạng 5G phủ rộng, trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế, cáp quang biển, vệ tinh viễn thông… là định hướng lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong năm 2025.
Những năm qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã và đang đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vai trò là một trong những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và đời sống người dân.
Theo báo cáo tình hình chuyển đổi số quốc gia năm 2024 do Bộ TT&TT (nay là Bộ KH&CN) thực hiện đã chỉ ra nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, về phát triển Chính phủ số, Việt Nam đã vươn lên vị trí 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử được Liên Hợp quốc công bố hồi tháng 9/2024, tăng 15 bậc so với năm 2022 và lần đầu tiên đạt mức "Rất cao".
Về hoàn thiện thể chế, Luật Viễn thông sửa đổi đã mở rộng không gian phát triển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; Luật Dữ liệu đã tạo hành lang pháp lý cho thị trường dữ liệu, giải quyết bài toán "cát cứ" dữ liệu. Bên cạnh đó, Nghị định 82 và Nghị định 138 cùng được ban hành trong năm 2024, đã tháo gỡ điểm nghẽn lớn về sử dụng kinh phí cho chuyển đổi số.
Đối với phát triển hạ tầng số, trong năm 2024, Việt Nam đã lần đầu tiên sau 15 năm đấu giá thành công tần số, bổ sung 300 MHz phục vụ triển khai 5G. Tuyến cáp quang biển thứ 6 có dung lượng lớn nhất đã được đưa vào khai thác, giúp cải thiện tốc độ và độ ổn định kết nối quốc tế.
Về dữ liệu và nền tảng số, trong 10 cơ sở dữ liệu quốc gia, đã có 5 cơ sở dữ liệu được đưa vào vận hành hiệu quả. Lượng giao dịch dữ liệu qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP năm 2024 đã tăng 57% so với năm trước đó. Đặc biệt, dữ liệu dân cư đã được đồng bộ, làm sạch trên nhiều lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, giáo dục, trợ giúp xã hội, quản lý cư trú…
Với việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia thông tin: Một kết quả nổi bật là Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 4.475 thủ tục hành chính, chiếm 70,8% tổng số thủ tục hành chính, với khoảng 425.000 lượt sử dụng/ngày thông qua VNeID.
Song song đó, kinh tế số cũng có bước phát triển ấn tượng, khi tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng GDP truyền thống và cao nhất khu vực ASEAN.
Tại lễ phát động chương trình bình chọn giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2025, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ KH&CN) đã chia sẻ về các định hướng lớn của Bộ KH&CN trong năm 2025 với tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, tập trung đầu tư phát triển các công nghệ nền tảng, công nghệ của tương lai có khả năng tạo đột phá và lợi thế cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo - AI, công nghiệp bán dẫn, sản xuất thông minh, an ninh mạng.
Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật mang tính đột phá, hiện đại, phù hợp với kinh tế số và đổi mới sáng tạo; tháo gỡ triệt để các rào cản về cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch, khuyến khích mọi hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ.
Phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ, ưu tiên các thành phần hạ tầng số thiết yếu như mạng 5G phủ rộng, trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế, nền tảng điện toán đám mây, cáp quang biển, vệ tinh viễn thông…
Cùng với đó, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương chuyển hoạt động lên môi trường số, chỉ đạo điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu; nâng cao chất lượng, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn phần. Triển khai nhanh các nền tảng số quốc gia, nền tảng số chuyên ngành dùng chung, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung.
Cũng trong năm nay, Bộ KH&CN còn định hướng tập trung thúc đẩy để nâng tỷ trọng kinh tế số trên GDP vượt 20%.
Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và chuyển đổi số chất lượng cao; có chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.
Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D, sản phẩm Make in Vietnam cũng là một định hướng lớn của Bộ KH&CN trong năm 2025.

Hạ tầng số và những bước tiến vượt bậc
Kinhtedothi - Tốc độ Internet Việt Nam lần đầu vào top 20 toàn cầu sau khi mạng 5G mở rộng. Đây là một trong những điểm nhấn về hạ tầng viễn thông nói riêng, hạ tầng số nói chung tại Việt Nam thời gian qua.

Xây dựng "đường cao tốc" cho hạ tầng 5G
Kinhtedothi - Bộ KH&CN vừa ban hành Thông tư nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc sử dụng băng tần E tại Việt Nam, tạo nền tảng thuận lợi để triển khai hạ tầng truyền dẫn tốc độ siêu cao, từ đó góp phần xây dựng "đường cao tốc" vững chắc cho hạ tầng 5G Việt Nam.

Trí tuệ nhân tạo: "hạ tầng số" phổ biến trong mọi lĩnh vực
Kinhtedothi - Trong kỷ nguyên số hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ngoài đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của kinh tế số, AI còn được xem như một "hạ tầng số" phổ biến trong mọi lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, du lịch đến y tế…