Moody's: Nga có khả năng vỡ nợ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây có thể là vụ vỡ nợ quy mô lớn đầu tiên của Nga trong hơn một thế kỷ qua. 

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's cho biết, Nga có thể vỡ nợ nếu không thanh toán trái phiếu bằng đồng USD cho đến ngày 4/5 - thời điểm ân hạn. 

Moody's cho biết, khả năng đây sẽ là vụ vỡ nợ lớn đầu tiên của Moscow liên quan tới trái phiếu nước ngoài kể từ sau cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917.

Một biển báo bên cạnh các tòa nhà chọc trời tại trung tâm thương mại quốc tế Moscow, còn được gọi là "Moskva-City", ở Moscow, Nga ngày 14/4/2022. Ảnh: Reuters
Một biển báo bên cạnh các tòa nhà chọc trời tại trung tâm thương mại quốc tế Moscow, còn được gọi là "Moskva-City", ở Moscow, Nga ngày 14/4/2022. Ảnh: Reuters

Nga đã thực hiện một khoản thanh toán đến hạn vào ngày 4/4 cho hai trái phiếu chính phủ - đáo hạn vào năm 2022 và 2042 - bằng đồng rúp thay vì USD mà nước này bắt buộc phải thanh toán theo các điều khoản của chứng khoán.

Theo định nghĩa của Moody's, Nga "do đó có thể bị coi là vỡ nợ nếu không điều chỉnh (thanh toán bằng USD) trước ngày 4/5 - thời điểm kết thúc thời gian ân hạn", Moody's cho biết trong một tuyên bố hôm 14/4.

"Các hợp đồng trái phiếu không có quy định về việc thanh toán bằng bất kỳ loại tiền tệ nào khác ngoài USD."

Moody's cho biết, trong khi một số trái phiếu châu Âu phát hành sau năm 2018 cho phép thanh toán bằng đồng rúp theo một số điều kiện, thì những trái phiếu châu Âu phát hành trước năm 2018 -  đáo hạn vào năm 2022 và 2042 - thì không.

Moody's cho biết: "Quan điểm của Moody là các nhà đầu tư đã không đạt được cam kết theo hợp đồng ngoại tệ vào ngày đến hạn thanh toán".

Nga đã nhiều lần khẳng định muốn thanh toán khoản nợ nhưng phản đối việc phương Tây ngăn cản Moscow, bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 24/2 phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Năm 1998, Nga vỡ nợ 40 tỷ USD và phá giá đồng rúp dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin sau cuộc khủng hoảng nợ châu Á và giá dầu giảm đã làm mất niềm tin vào khoản nợ đồng rúp ngắn hạn của nước này.

 



Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần