Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moscow phản hồi kế hoạch tái kiểm soát Crimea của Kiev

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một quan chức cấp cao Ukraine hôm 2/4 nêu các bước mà chính quyền Kiev sẽ thực hiện sau khi giành lại quyền kiểm soát Crimea, trong đó có đề xuất đặt lại tên cho thành phố Sevastopol.

Một quan chức cấp cao Ukraine hôm 2/4 nêu kế hoạch tái kiểm soát Crimea, trong đó có đề xuất đặt lại tên cho thành phố Sevastopol. Ảnh: RT
Một quan chức cấp cao Ukraine hôm 2/4 nêu kế hoạch tái kiểm soát Crimea, trong đó có đề xuất đặt lại tên cho thành phố Sevastopol. Ảnh: RT

Ngày 2/4, ông Mikhail Razvozhayev - người đứng đầu thành phố Sevastopol do Nga bổ nhiệm, đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch tái kiểm soát Crimea của quan chức Ukraine.

"Sẽ thật sai lầm khi xem xét nghiêm túc bình luận của những người không bình thường. Họ cần phải được chữa trị và đó là những gì quân đội chúng tôi đang làm" - ông Razvozhayev nói với hãng tin Tass.

Theo đài RT, Thống đốc Sevastopol nói thêm rằng thật là nực cười khi chính quyền Kiev dự định đổi tên thành phố cảng Sevastopol theo kế hoạch tiếp quản Crimea nếu giành lại được từ Nga.

Tuyên bố trên được quan chức Nga đưa ra sau khi Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov hôm 2/4 công bố kế hoạch trên khi Kiev chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân nhằm đạt được các thành quả mới mang tính quyết định sau hơn 13 tháng xung đột.

Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov  Ảnh: Reuters
Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov  Ảnh: Reuters

AP đưa tin,  trong kế hoạch trên, ông Danilov đề xuất truy tố những người Ukraine làm việc cho chính quyền do Nga bổ nhiệm ở Crimea. Ngoài ra, tất cả công dân Nga tới Crimea sau năm 2014 đều sẽ bị trục xuất và tất cả hợp đồng bất động sản được tiến hành dưới sự cai quản của Nga đều bị vô hiệu hóa.

Quan chức Ukraine cũng kêu gọi dỡ bỏ cây cầu dài 19km nối Nga với bán đảo Crimea do Moscow xây dựng. Một vụ đánh bom xe vào tháng 10/2022 đã gây hư hại nghiêm trọng cho cây cầu dài nhất châu Âu này. Moscow cáo buộc lực lượng tình báo quân sự Ukraine đứng sau vụ tấn công.

Nga đã sửa chữa phần bị hư hại của cây cầu và khôi phục nguồn cung tới Crimea - khu vực đóng vai trò như một trung tâm quan trọng của quân đội nước này trong suốt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Phía Kiev không nhận trách nhiệm về vụ đánh bom, song giới chức Ukraine từng nhiều lần đe dọa tấn công cây cầu này.

Ông Danilov cũng đề xuất đặt lại tên cho thành phố Sevastopol ở phía Nam bán đảo Crimea - nơi đặt trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga. Đây là một trong 3 thành phố liên bang theo luật pháp của Nga, cùng với Moscow và St Petersburg. Cái tên Sevastopol ra đời vào năm 1783 dưới thời Đế chế Nga kết hợp bởi 2 từ Hy Lạp "sebastos" nghĩa là "thiêng liêng" và "polis" nghĩa là "thành phố".

Theo ông Danilov, thành phố  Sevastopol sẽ được gọi là Cơ sở số 6 trước khi Quốc hội Ukraine quyết định đổi tên thành Akhtiar, tên một khu định cư nhỏ trước đây tại thành phố này. Vị quan chức Ukraine cho rằng việc đặt lại tên sẽ phá vỡ nhận thức lịch sử rằng Sevastopol là một thành phố của quân đội Nga.

Ông Danilov công bố kế hoạch trên khi quân đội Ukraine chuẩn bị sử dụng các vũ khí mới được phương Tây cung cấp để xuyên thủng phòng tuyến của Nga và giành lại các khu vực mà Moscow kiểm soát trong cuộc phản công dự kiến diễn ra vào tháng này.

Trong một diễn biến liên quan, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hôm 24/3 cũng bác bỏ khả năng Ukraine sẽ tấn công vào Crimea để giành lại bán đảo này. "Đây chỉ là cách mà Ukraine tuyên truyền, và điều này là bình thường ở thời chiến" - Tass dẫn phát biểu của ông Medvedev.

Mặc dù vậy, cựu Tổng thống Nga cảnh báo Ukraine về cách thức mà Moscow  có thể đáp trả nếu Kiev tấn công Crimea. Ông Medvedev nhấn mạnh: "Nếu có bất cứ cuộc tấn công nghiêm trọng nào có liên quan đến nỗ lực (của Ukraine) giành lại Crimea, thì đó rõ ràng sẽ là cơ sở để Nga sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vùng lãnh thổ này, bao gồm cả các biện pháp được nêu trong học thuyết răn đe hạt nhân".

Crimea sáp nhập vào Nga từ tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Ukraine và các nước phương Tây không công nhận bước đi này của Moscow, đồng thời Kiev tuyên bố sẽ giành lại bán đảo bằng biện pháp quân sự.

Tuy nhiên, giới quân sự phương Tây nhận định, khả năng của Ukraine giành lại quyền kiểm soát Crimea trong tương lai gần là rất thấp.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 23/3, khi được hỏi liệu Nhà Trắng có ủng hộ những tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc giành lại bán đảo Crimea bằng biện pháp quân sự hay không, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ  trả lời một cách gián tiếp.

"Tôi nghĩ có những vùng lãnh thổ ở Ukraine mà người dân nước này phải quyết tâm chiến đấu để bảo vệ nhưng có lẽ có những vùng lãnh thổ mà họ phải giành lại theo những cách khác" - Ngoại trưởng Blinken cho hay và dường như đang đề cập đến giải pháp ngoại giao.

Đồng thời, ông Blinken nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ phải đưa ra các quyết định về tương lai của mình cũng như các vấn đề liên quan đến "chủ quyền, sự thống nhất lãnh thổ và độc lập của đất nước".