Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moscow tiết lộ kết quả phi USD hóa giữa Nga và Trung Quốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Thủ tướng Nga Andrey Belousov, 95% thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã được thanh toán bằng các đồng tiền nội tệ của hai nước.

Hầu hết các khoản thanh toán giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng ruble và nhân dân tệ. Ảnh: Sana
Hầu hết các khoản thanh toán giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng ruble và nhân dân tệ. Ảnh: Sana

Đài RT đưa tin Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrey Belousov hôm 20/11 cho biết, các loại tiền tệ của phương Tây gần như bị loại bỏ hoàn toàn trong giao dịch thương mại Nga-Trung do hầu hết các khoản thanh toán giữa hai bên được thực hiện bằng đồng ruble và nhân dân tệ.

Sau khi phương Tây áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt chống Moscow, Nga và Trung Quốc đã đẩy nhanh việc sử dụng các đồng nội tệ trong thương mại song phương.

Theo Phó Thủ tướng Belousov, khoảng 95% số giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc hiện được thực hiện bằng đồng ruble và nhân dân tệ.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Nga-Trung tại Bắc Kinh hôm 20/11, ông Belousov nói rằng thương mại song phương giữa hai nước sẽ vượt mục tiêu 200 tỷ USD trong năm nay và có thể tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2030.

Phó Thủ tướng Nga lưu ý rằng Bắc Kinh từ lâu đã là một trong những đối tác thương mại lớn của Moscow và hai nước còn nhiều cơ hội để mở rộng đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

Các công ty Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi thị trường Nga trong bối cảnh họ mong muốn tăng cường sự hiện diện của mình tại nước này.

Phó Thủ tướng Belousov chia sẻ thêm: “Làn sóng tháo chạy khỏi thị trường Nga của các công ty phương Tây đã tạo ra cơ hội lớn cho các đối tác Trung Quốc tham gia vào ngành dầu khí, hóa dầu và sản xuất ô tô của Nga, cũng như lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm thủy tinh và vật liệu xây dựng”.

Phía Moscow chủ yếu cung cấp cho Bắc Kinh các sản phẩm năng lượng, như dầu khí, cũng như các sản phẩm tinh chế, nông sản và sản phẩm công nghiệp. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc sang Nga là thực phẩm, thiết bị, điện thoại di động, điện tử, sản phẩm kỹ thuật, đồ nội thất, đồ chơi, dệt may, quần áo và giày dép.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Bắc Kinh và Moscow trong 10 tháng đầu năm nay đạt mức kỷ lục 196,48 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Nga từ tháng 1 đến tháng 10/2023 đạt tổng cộng 90,076 tỷ USD, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nga sang Trung Quốc trong cùng giai đoạn đạt khoảng 106,405 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương ghi nhận cũng ghi nhận mức cao kỷ lục hơn 190 tỷ USD, tăng hơn hơn 29% so với năm 2021.

Lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương, từ 100 tỷ USD/năm trong năm 2018 lên mức 200 tỷ USD vào năm 2024.

Trong năm nay, Nga đã vượt Ả Rập Saudi và trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Lượng dầu thô Nga xuất khẩu sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay đạt tổng cộng 88,5 triệu tấn, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 86,2 triệu tấn dầu của Nga với tổng giá trị 58,37 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Nga hiện là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Ảnh: Energyintel
Nga hiện là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Ảnh: Energyintel

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, giá trị khí đốt nhập khẩu từ Nga sang nước này trong 10 tháng đầu năm nay đạt 5,36 tỷ USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022.

Hồi tháng 2 vừa qua, Moscow và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc qua tuyến Viễn Đông.

Dự án này bao gồm việc xây dựng một đoạn xuyên biên giới qua sông Ussuri giữa đường ống đã hoạt động của Nga và thành phố Hulin (Trung Quốc). Sau khi  hoàn thành dự án, Nga có thể vận chuyển khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm sang Trung Quốc qua tuyến Viễn Đông.