Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Mùa Hè nắng nóng có nên ăn nhiều tôm cua để giải nhiệt?

Kinhtedothi - Món canh từ tôm, cua, ngao bổ sung nước và vitamin, thích hợp giải nhiệt. Nhưng những món ăn trên đều là thực phẩm giàu đạm, vì vậy cần sử dụng với lượng vừa phải và ở mức nhất định.

Nên cân đối sử dụng tôm, cua, ngao

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Món canh từ tôm, cua, ngao bổ sung nước và vitamin, thích hợp giải nhiệt, nhưng không nên tiêu thụ quá nhiều do đây là thực phẩm nhiều đạm, theo chuyên gia.

Ngày 30/5, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tôm, ngao, cua đều giàu đạm, canxi, nấu với rau sẽ làm tăng độ ngọt. Những động vật này thường được nấu với mồng tơi, đay, bầu, rền - là những loại rau đang vào chính vụ, nên sẽ tươi ngon và an toàn hơn rau trái vụ.

Tuy nhiên, bác sĩ Hưng khuyên nên dùng với số lượng vừa phải do tôm, cua, ngao chứa nhiều đạm, cung cấp nhiều năng lượng, tiêu thụ quá nhiều sẽ gây nóng trong.

Đơn cử, món canh tôm bầu khá nhiều dinh dưỡng. Cụ thể, trong 100 g tôm khô chứa 70 g đạm (cao hơn nhiều so với tôm tươi), thậm chí cao hơn cả lượng đạm trong thịt bò, lợn. Ngoài ra, tôm khô còn giàu natri, kẽm, canxi, muối khoáng. Còn bầu chứa nhiều vitamin, lượng chất xơ hòa tan cao, vì vậy đây là món có giá trị dinh dưỡng cao. Khi ăn món này, mọi người nên giảm ăn các thực phẩm nhiều đạm khác, để tạo sự cân bằng dinh dưỡng.

Ngoài ra, với những món như canh cua, canh ngao, mọi người hay ăn cùng cà muối chua để thêm ngon miệng, song cần hạn chế số lượng. Hàm lượng muối trong canh cua là 1,13 g, trong khi cà muối thường rất mặn, ăn quá nhiều sẽ không tốt cho cơ thể.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết việc ăn canh tôm hay cua cần có sự kiểm soát, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, bởi những thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản này nếu sơ chế không cẩn thận khi ăn có thể gây rối loạn tiêu hóa. Chuyên gia nhận định hiện nhiều người nội trợ bận rộn, khi mua thực phẩm đều yêu cầu người bán sơ chế trước. Tuy nhiên, ông Thịnh khuyên người dân không nên làm điều này.

"Nhiều người nhờ chủ quán xay cua sẵn, sau đó lấy về nấu, điều này có thể gây hại vì cua sẽ rất dễ chết trong thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, thịt cua nhiều đạm nên nhanh bị phân hủy, thối rữa. Nếu cho cả cua chết vào xay, rồi nấu ăn, nguy cơ ngộ độc rất lớn", ông Thịnh nói.

Các chuyên gia khuyến cáo dù là món ăn yêu thích trong mùa hè, nhưng mọi người chỉ nên tiêu thụ 1-2 lần một tuần do món canh trên chứa nhiều đạm. Nếu ăn thường xuyên sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối các chất.

"Đặc biệt, chỉ nấu vừa đủ ăn, tuyệt đối không nên ăn lại bữa sau vì chúng rất dễ thiu, hỏng", tiến sĩ Hưng cho hay.

Gợi ý các món canh ngon, thanh mát, dễ ăn cho ngày hè oi nóng

Canh bầu nấu tôm

Nguyên liệu: Bầu non (bầu sao): 1 quả; Tôm tươi: 200g; Bột nêm; Hành hoa.

Cách làm:

Bầu nạo vỏ, băm hoặc thái miếng vừa ăn (tùy sở thích ăn của từng gia đình mà bỏ ruột hay lấy thêm một ít ruột non).

Tôm rửa sạch, cho vào nồi cùng một ít gia vị, luộc nhanh rồi vớt ra. Khi tôm nguội, lột bỏ vỏ rồi xẻ một đường ở lưng mỗi con tôm (để trình bày bát canh cho đẹp và hấp dẫn hơn).

Hành hoa rửa sạch, cắt khúc 2-3 cm.

Bắc nồi nước vừa đủ cho bữa ăn. Cho bầu, tôm và bột nêm vào đun cùng đến khi bầu chín thì tắt bếp, cho hành hoa cắt khúc vào. Đổ canh ra tô cho nguội, đến bữa ăn sẽ rất ngọt và mát.

Canh ngao nấu dứa

Nguyên liệu: Ngao tươi: 1 kg; Dứa: 1 quả; Cà chua: 2 quả; Hành, dăm; Hành khô: 1 củ; Gia vị: dầu ăn, bột nêm, mì chính.

Cách làm:

Ngao rửa sạch nhiều nước đem luộc sôi.

Gạn phần nước trong, lấy phần ruột rửa lại lần nữa. Hành, dăm rửa sạch thái nhỏ.

Cà chua rửa sạch, một quả bổ múi cau, một quả thái hạt lựu. Dứa gọt vỏ rồi thái mỏng vừa ăn.

Phi thơm hành khô với dầu ăn. Cho cà chua vào xào chín. Nêm một chút bột nêm.

Cho ngao vào xào. Sau đó xúc ra bát tô.

Đổ nước ngao rồi cho dứa vào đun sôi chừng 10 phút. Khi nồi canh sôi cho cà chua vào. Cuối cùng là phần ngao xào. Nêm gia vị vừa miệng.

Khi gần ăn cho hành dăm cùng chút mì chính. Tắt bếp cho canh ra bát dùng nóng.

Canh cua mướp mồng tơi

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Nguyên liệu: 500g cua đồng; 1 bó rau mồng tơi, 1 bó rau đay; 1 quả mướp hương; 1 lít nước; Muối.

Cách làm

Cua đồng rửa sạch để ráo.

Cua bóc bỏ mai, yếm, khều gạch ra bát con, cua rửa sạch cho vào cối giã và lọc lấy nước.

Rau mồng tơi, rau đay rửa sạch cắt khúc.

Mướp gọt vỏ, cắt lá.

Cho nước cua đã lọc vào nồi cùng 2 muỗng bột canh và gạch cua vào nấu. Vừa nấu vừa dùng đũa khoắng để gạch nổi lên mặt nước.

Khi nước sôi, đặt lệch nồi để gạch không bị tan mất. Cho mướp và rau vào một góc nồi có lửa đun sôi cho mì chính vào và tắt bếp.

Canh cua mà ăn với cà pháo muối chỉ có tuyệt vời mà thôi.

Những ai tuyệt đối không nên ăn ớt?

Những ai tuyệt đối không nên ăn ớt?

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Danh sách 9 loại trái cây dễ ngâm hóa chất

Danh sách 9 loại trái cây dễ ngâm hóa chất

03 May, 06:48 AM

Kinhtedothi - Mùa Hè là mùa của mít, xoài, ổi, dưa hấu… nhưng vì lợi nhuận một số thương lái đã tẩm hóa chất độc hại khiến cho người tiêu dùng mất cảnh giác. Dưới đây là top trái cây dễ bị ngâm hóa chất nhất, ai cũng nên biết.

Siết quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể

Siết quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể

29 Apr, 05:52 AM

Kinhtedothi - Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của Hà Nội đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vi phạm nhờ phương thức kiểm tra đột xuất.

Đà Lạt: hơn 800 người tham gia tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm

Đà Lạt: hơn 800 người tham gia tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm

25 Apr, 12:00 PM

Kinhtedothi - Ngày 25/4, Phòng Y tế TP Đà Lạt (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tổ chức lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho hơn 800 người trực tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP Đà Lạt năm 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ