Mua thuốc không kê đơn: hậu quả khôn lường
Kinhtedothi – Tình trạng mua bán thuốc không kê đơn xảy ra phổ biến ở Việt Nam, kể cả các loại thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh. Chuyên gia y tế cảnh báo, việc người dân tự ý mua thuốc không theo chỉ dẫn, kê đơn của bác sĩ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tử vong.
Tử vong vì uống thuốc tự kê đơn
Mới đây, trên địa bàn tổ dân phố (TDP) Nam Phong, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra vụ đột tử ngay tại cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng. Trước đó, bà L.T.X. trú tại TDP Cảnh Trường, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh đến TDP Nam Phong, phường Kỳ Thịnh để mua thuốc với các triệu chứng bệnh: ho, có đờm, sổ mũi, ớn lạnh.
Chủ cơ sở bán 5 loại thuốc cho bà L.T.X. gồm: Amoxicillin 500mg; Loratadin 10mg; Terpin codein; Alpha choay; Paracetamol 500mg. Sau khi nhận thuốc, bà L.T.X. uống thuốc tại quầy gồm: 2 viên Amoxicillin 500mg, 2 viên Loratadin 10mg, 2 viên Terpin codein, 1 viên Alpha choay, 1 viên Paracetamol 500mg. Ngay sau khi uống thuốc, bà L.T.X. xuất hiện triệu chứng ngứa, nổi mẩn đỏ và tử vong tại cơ sở.

Bệnh nhân nữ V.T.D., 26 tuổi (trú tại Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng ngứa ngáy, sưng phù toàn thân, đỏ da, kèm theo loét niêm mạc miệng, mũi...
Cùng thời điểm, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận bệnh nhân nữ V.T.D., 26 tuổi (trú tại Lạng Sơn) trong tình trạng ngứa ngáy, sưng phù toàn thân, đỏ da, kèm theo loét niêm mạc miệng, mũi và viêm kết mạc mắt, sinh dục.
Trước nhập viện, bệnh nhân đau răng, tự ý mua thuốc giảm đau tại hiệu thuốc gần nhà nhưng không thông báo với dược sĩ về tiền sử mắc lupus ban đỏ đang điều trị. Ngày hôm sau, khi xuất hiện triệu chứng sốt, chị tiếp tục mua thuốc cảm về uống. Sau một ngày dùng thuốc, bệnh nhân nổi ban đỏ, ngứa, sưng phù toàn thân, được chẩn đoán dị ứng thuốc. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh không cải thiện mà còn nặng thêm, bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dị ứng nặng với các triệu chứng phù nề, ngứa ngáy, đau rát nghiêm trọng toàn thân, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và ăn uống. Đặc biệt, bệnh nhân nổi ban đỏ toàn thân, loét niêm mạc miệng, mũi và viêm kết mạc mắt, sinh dục — các dấu hiệu điển hình của hội chứng Stevens-Johnson (SJS) - hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc trên nền có bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Tổn thương do dị ứng thuốc còn gây suy thận cấp, protein niệu cao kèm tình trạng nhiễm trùng toàn thân rất nặng.
Đây là phản ứng cấp tính nguy hiểm, đặc trưng bởi tình trạng hoại tử lan rộng và bong tách thượng bì. Trong trường hợp này, bệnh nhân có tổn thương da dưới 10% diện tích cơ thể, kèm theo biến chứng nhiễm trùng huyết. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng.
Trước đó, nhiều trường hợp cũng xảy ra tương tự khi tự ý kê đơn thuốc. Đơn cử, tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận một bệnh nhân mắc hội chứng hiếm gặp gây tổn thương da, trợt da, nổi mụn nước lan rộng toàn thân. Đặc biệt là ở vùng bụng, ngực, 2 chi trên, 2 chi dưới với tổng diện tích 70%, kèm theo đó là loét niêm mạc miệng, mắt và bộ phận sinh dục.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Trong thời gian đang sử dụng thuốc theo đơn về cơ xương khớp, người bệnh có kết hợp thêm thuốc điều trị ký sinh trùng. Khi thấy nổi nốt trên da và loét miệng, người bệnh tiếp tục dùng thêm thuốc (không rõ loại) do một phòng khám tư nhân kê. Tại BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng Stevens-Johnson/Lyell (SJS/TEN) do dị ứng thuốc.
Các vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm khi người dân tự ý mua thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Theo các bác sĩ, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc là những phản ứng do thuốc ít gặp nhưng rất nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh. Tần suất của bệnh trong dân số chỉ khoảng 2/1.000.000 người nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao lên tới 5 - 30%.
Nguy hiểm khôn lường
Thực tế, việc người dân tự ý mua thuốc khi không có đơn của bác sĩ đã diễn ra một cách phổ biến. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe thay vì đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, kê đơn thì nhiều người dân đến các quầy thuốc thông báo triệu chứng gặp phải để mua thuốc.
Đáng nói, không chỉ là các loại thuốc thông thường như: hạ sốt, giảm đau, ho, sổ mũi, cảm cúm... mà nhiều loại kháng sinh, kể cả các loại thuốc thuộc diện bắt buộc phải bán theo đơn vẫn được các quầy thuốc bán tự do cho người dân. Người mua thuốc không hiểu về tác hại của việc tự ý dùng thuốc đã đành nhưng người bán thuốc cũng tùy tiện, chỉ cần nghe người mua mô tả về triệu chứng bệnh là bán ngay mà không tuân thủ đúng quy định về kê đơn và bán thuốc.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, dị ứng thuốc có thể gây ra những triệu chứng như: ngứa, nổi mề đay, phù, khó thở… thậm chí rất nặng, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Đặc biệt, sốc phản vệ là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc kháng sinh, dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu đúng, kịp thời.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên thanh, kiểm tra chất lượng thuốc, kiểm tra thị trường, từ đó đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán thuốc giả.
Đề cập đến vấn đề này, Tổng Thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam Nguyễn Hữu Trọng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo Việt Nam về tình trạng kháng thuốc. Đây là thảm họa toàn cầu và nguyên nhân chính do sử dụng thuốc tùy tiện không có đơn thuốc.
Tại Việt Nam, do sử dụng thuốc tùy tiện, nhiều bệnh nhi khi vào viện phải dùng các loại kháng kháng sinh nhóm 3 - 4 mới khỏi bệnh. Có gia đình tự mua tới 11 loại thuốc về chữa ho cho con, khiến trẻ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mua thuốc không kê đơn quá dễ dàng. Thực tế việc sử dụng đơn thuốc giấy khiến các cơ quan chức năng không thể quản lý được bán thuốc theo đơn.
Dược sĩ tại các cơ sở bán lẻ thuốc tự bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc và họ cũng không có thẩm quyền kê đơn thuốc. Còn người dân chủ động tự mua thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc và chỉ mua thuốc, uống thuốc bằng kinh nghiệm hoặc bằng đơn của người khác mà không quan tâm tới các yếu tố quan trọng trong việc sử dụng thuốc (ví dụ cân nặng, tuổi...).
“Đơn thuốc giấy không xác minh được đơn thuốc có đúng không, cũng không thể xác nhận được trạng thái đơn, dẫn đến tình trạng người dân sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cơ sở bán lẻ bán thuốc nhiều lần cùng một đơn” - ông Nguyễn Hữu Trọng nêu.
Đại diện Hội Tin học y tế Việt Nam cho rằng, việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia là cần thiết, giúp đảm bảo minh bạch đơn thuốc. Qua đó giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, tránh hiểm họa kháng thuốc".
Để sử dụng thuốc an toàn, đặc biệt là với những người có bệnh nền mạn tính như lupus ban đỏ, TS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi đến khám, bác sĩ sẽ tư vấn cách dùng thuốc đúng cách, thời điểm sử dụng phù hợp cũng như cảnh báo các tác dụng phụ có thể xảy ra. Đặc biệt, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu bất thường sau khi uống thuốc và đến ngay cơ sở y tế nếu có triệu chứng nghi ngờ.
Trích dẫn
Nếu không được thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh, đúng giai đoạn bệnh, việc mua thuốc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả. Khi không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc, từ đó, dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Đó là chưa kể đến việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế.
Bác sĩ Nguyễn Bá Trọng – Trưởng khoa Khám bệnh, BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

Vụ sản xuất thuốc tân dược giả: Cục Quản lý Dược nói gì?
Kinhtedothi - Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.

Đề xuất bổ sung xử phạt nghiêm hành vi buôn bán thuốc giả
Kinhtedothi - Hiện Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ hoặc bán thuốc online của các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.

Lạm dụng thuốc tránh thai gia tăng nguy cơ đột quỵ
Thuốc tránh thai là phương pháp ngừa thai phù hợp và phổ biến đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có tình trạng hình thành huyết khối tĩnh mạch.