Mỹ chịu trách nhiệm lớn cho thất bại trước Taliban

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc tấn công của Taliban trên khắp Afghanistan trong tuần qua đã khiến gần một chục thủ phủ trong khu vực thất thủ, ước tính khoảng 65 - 80% đất nước hiện đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng này.

 Tướng Kenneth McKenzie - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ - phát biểu tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 25/7/2021. Ảnh: AFP

Giới quan sát phương Tây dường như “sốc” trước tốc độ diễn biến này vì vốn tin rằng Chính phủ Afghanistan được quốc tế công nhận ở Kabul, cũng như Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA), sẽ tiếp tục giữ vững lập trường của mình ngay cả sau khi Mỹ rút toàn bộ quân đội vào cuối tháng này.

“Những dự đoán này được đưa ra dựa trên một số giả định sai lầm cần được làm rõ, để giúp mọi người hiểu hơn những gì đang thực sự xảy ra ở đó và nguyên nhân của nó” - Andrew Korybko, một nhà phân tích chính trị người Mỹ ở Moscow, nhận định. Chuyên gia này đã lập luận 5 điểm cho thấy Mỹ là bên chịu trách nhiệm chủ yếu cho thất bại trước Taliban ở Afghanistan.

Thứ nhất, theo chuyên gia Korybko, sự hỗ trợ của không quân Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chính quyền Kabul giữ quyền kiểm soát đất nước này trong nhiều năm qua. Mỹ thường xuyên ném bom Taliban mỗi khi lực lượng này tập trung quân ở bất kỳ đâu trên đất nước và bắt đầu gây ra mối đe dọa nào đó đối với Chính phủ, mặc dù hoạt động này bị chỉ trích đã khiến không ít dân thường thiệt mạng. Do đó, có thể nói rằng sự yểm trợ trên không của Mỹ là “con dao hai lưỡi”, khi bề ngoài giữ hòa bình nhưng phần nào “gieo mầm” cho những gì xảy ra sau đó.

Thứ hai, một số lượng đáng kể lực lượng của ANA đã cho thấy rằng họ không đủ khả năng để chiến đấu như những bên ủng hộ đã kỳ vọng, bất chấp việc Mỹ đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào việc đào tạo của lực lượng này. Hàng loạt báo cáo của Reuters dẫn nguồn tin Afghanistan cho thấy, nhiều thành viên của ANA, hoặc đã đầu hàng Taliban mà không chiến đấu, hoặc nhanh chóng bỏ chạy khi giao tranh trở nên quá căng thẳng. Điều này nói lên điểm yếu chính của ANA - quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ của không quân Mỹ, trong khi không ít người được cho đã gia nhập ANA vì tiền lương, thay vì trung thành với Chính phủ do Mỹ hậu thuẫn.

Thứ ba, tổng cộng Mỹ đã chi hơn 2.000 tỷ USD vào chiến trường Afghanistan, nhưng thực chất lại không có gì đáng kể. Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) năm ngoái đã báo cáo, ít nhất 19 tỷ USD đã bị thất thoát vì gian lận và lạm dụng, mặc dù giới quan sát suy đoán rằng nó thực sự có thể còn nhiều hơn thế. Afghanistan gần như là điển hình cho nạn tham nhũng của tổ hợp công nghiệp - quân sự Hoa Kỳ. Điều này không chỉ đi ngược lại các mục tiêu quân sự - chính trị đã nêu của Mỹ ở nước này, mà còn làm ảnh hưởng đến các nỗ lực tái thiết kinh tế - xã hội của Afghanistan, cuối cùng khiến quốc gia Nam Á trở nên yếu kém về mọi mặt.

Thứ tư, kế hoạch rút quân của Mỹ được thực hiện rất vô trách nhiệm, dù được cho là đã quá hạn dài vì nhiều lý do. Nhìn lại, Mỹ có thể đã thiếu khôn ngoan khi ấn định một mốc cụ thể cho ngày rút quân hoàn toàn - điều chỉ càng thúc đẩy Taliban ngay lập tức tấn công và lấp đầy khoảng trống an ninh mà quân đội Mỹ để lại.

Tin rằng bất kỳ nhà hoạch định chiến lược khách quan nào cũng có thể lường trước được thảm họa sẽ xảy ra nếu xét đến những điểm nêu trên, chuyên gia Andrew Korybko nhận định dường như “chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định rời Afghanistan vì những lý do khác ẩn sau”, thay vì các mục tiêu đã nêu - bao gồm việc chấm dứt “cuộc chiến vô tận” của người Mỹ và để người Afghanistan tự chiến đấu cho số phận của mình.

Và cuối cùng, khoảng trống an ninh có thể đoán trước mà Mỹ tạo ra chắc chắn sẽ thu hút tất cả các loại thành phần phi nhà nước, bao gồm cả những lực lượng khủng bố như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant - tỉnh Khorasan (ISIL-K) đang hoạt động ở Afghanistan. Vẫn còn phải xem liệu Taliban có chiến đấu chống lại những lực lượng này như đã hứa trước đó hay không - theo cam kết hồi tháng 2 năm ngoái là không cho phép các nhóm như vậy ở lại đất nước - nhưng đó vẫn là một thách thức an ninh đang nổi lên có ý nghĩa đối với toàn cầu.

“Có vẻ như một số sự thật đang minh chứng cho tuyên bố rằng Afghanistan là nghĩa địa của các đế chế”, chuyên gia Andrew Korybko viết, “không còn được coi là bá chủ đơn cực như khi họ xâm lược Afghanistan 2 thập kỷ trước, Mỹ hiện được coi là một cường quốc đang suy giảm nhanh chóng, không đáng tin cậy và thất bại”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần