Mỹ, Đức âm thầm chuẩn bị "vũ khí" chống Nord Stream 2?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn tin độc quyền của Reuters khẳng định, một thỏa thuận sắp tới giữa Mỹ và Đức sẽ "đối đầu" với dự án Nord Stream 2 trong cuộc đua năng lượng.

Reuters dẫn hai nguồn thạo tin về một thỏa thuận song phương giữa Washington và Berlin dự kiến ​​công bố trong hôm nay (21/7).
 Mỹ và Đức đã nhất trí hành động nếu Nga sử dụng năng lượng làm công cụ gây hấn. Ảnh: Reuters
Lối thoát cho áp lực trừng phạt Nord Stream 2 của ông Biden?
Theo Reuters, thỏa thuận nói trên được các quan chức cấp cao của Mỹ và Đức đề xuất trong vài tháng gần đây, sẽ giải quyết tranh chấp lâu dài về đường ống trị giá 11 tỷ USD, hiện đã hoàn thành 98%, được xây dựng dưới Biển Baltic để vận chuyển khí đốt từ Vùng Bắc Cực của Nga đến Đức.
Các quan chức Mỹ giấu tên khẳng định, thỏa thuận tới đây của Mỹ và Đức sẽ giảm thiểu khả năng Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại Ukraine và các nước khác trong khu vực.
Mỹ lo ngại rằng với Nord Stream 2, Nga có thể cắt nguồn cung cấp năng lượng cho Ukraine hoặc các nước khác như một hình thức gây hấn, và cũng lo ngại rằng Ukraine sẽ thiệt hại khi bỏ lỡ nguồn thu từ phí vận chuyển khí đốt hiện được vận chuyển theo một đường ống dẫn trên đất liền.
Thỏa thuận trên dự kiến cũng sẽ ngăn chặn việc buộc phải nối lại các lệnh trừng phạt của quốc hội đối với Nord Stream 2 và giám đốc điều hành dự án. Hiện ông Biden vẫn phải đối mặt với áp lực từ quốc hội phải ngăn chặn dự án Nord Stream 2. Tổng thống Joe Biden đã từ bỏ các lệnh trừng phạt đó vào tháng 5 để có thời gian cho cả hai bên đàm phán về một con đường phía trước. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden vẫn bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp trừng phạt tùy từng trường hợp, phù hợp với luật pháp Mỹ.
Đức cũng đồng ý đóng góp vào quỹ mới trị giá 1 tỷ USD để giúp Ukraine chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn và cải thiện an ninh năng lượng của mình, một trong những nguồn tin của Reuters cho biết.
Trước đó Bloomberg News đã đưa tin rằng Đức sẽ cung cấp khoản đầu tư ban đầu trị giá 175 triệu USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel không đạt được thỏa thuận về đường ống khí đốt trong cuộc gặp song phương tuần trước, tuy nhiên nhất trí rằng Moscow không được phép sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại các nước láng giềng. Vào thời điểm đó, bà Merkel cho biết Đức có sẵn một số công cụ, bao gồm khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt thông qua Liên minh châu Âu, để đáp trả Nga, nếu cần.
Dự án địa chính trị
Theo Reuters, giới chức hai nước đã tiếp tục tìm hiểu các chi tiết trong những ngày gần đây, và quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Derek Chollet đã đến thăm Ukraine vào thứ Ba để thảo luận về thỏa thuận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 20/7 chia sẻ với báo giới rằng Washington vẫn coi đường ống này là một thỏa thuận tồi tệ đối với Đức và châu Âu, nhưng quyết định rằng các lệnh trừng phạt khó có thể ngăn chặn dự án và thay vào đó tập trung vào việc giải quyết tiềm năng sử dụng năng lượng của Nga như một vũ khí.
"Chúng tôi tiếp tục phản đối đường ống Nord Stream 2. Chúng tôi coi đây là một dự án địa chính trị của Điện Kremlin nhằm mở rộng ảnh hưởng của Nga đối với các nguồn năng lượng của châu Âu và phá hoại Ukraine”, ông Price cho biết. Dù từ chối đề cập tới thỏa thuận giữa Washington và Berlin, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Đức đã "đưa ra các đề xuất hữu ích" và họ đã đạt được tiến bộ về mục tiêu chung là đảm bảo rằng "Nga không thể vũ khí hóa các dòng năng lượng."

 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần