Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ hết "hào quang" cho Tổng thống Ukraine?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không giống như trong chuyến đi đầu tiên tới Washington năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodmyr Zelensky đang phải đối mặt với một Quốc hội Mỹ ít có xu hướng vung tiền ủng hộ chiến tranh, bất chấp cam kết hỗ trợ "không giới hạn" từ Nhà Trắng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gặp các lãnh đạo Thượng viện Mỹ để thúc đẩy tăng thêm viện trợ quân sự. Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gặp các lãnh đạo Thượng viện Mỹ để thúc đẩy tăng thêm viện trợ quân sự. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu ngắn gọn trước Nội các Nhà Trắng hôm 21/9, ông Zelenksy đã bày tỏ lòng biết ơn sự ủng hộ của người Mỹ thời gian qua. Ông đặc biệt nhấn mạnh về khoản viện trợ quân sự mới, trị giá 128 triệu USD, được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố trong cùng ngày.

“Đây chính xác là những gì mà binh lính của chúng tôi cần lúc này" - nhà lãnh đạo Ukraine nói.

Trong khi đó, Tổng thống Biden ca ngợi "sự dũng cảm to lớn" của người Ukraine trong chiến tranh lúc này, cam kết "sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo thế giới sát cánh cùng các bạn".

Tuy  nhiên, trong chuyến thăm Washington thời chiến lần thứ 2, Tổng thống Zelensky đang phải đối mặt với bối cảnh chính trị Mỹ phức tạp hơn nhiều so với khi ông được chào đón như một anh hùng hồi tháng 12/2022.

Trong khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine "khả năng phòng không đáng kể", vẫn không có thỏa thuận nào cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa, có thể tấn công cách xa tới 300km, mà Kiev đã khao khát từ lâu.

Còn tại Quốc hội, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang vướng vào một cuộc chiến chi tiêu gay gắt có thể buộc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, khiến gói viện trợ trị giá 24 tỷ USD cho Ukraine có nguy cơ bị ảnh hưởng. Quốc hội Mỹ đang phải đối mặt với hạn chót là ngày 30/9 để thông qua luật ngân sách cho Chính phủ.

Truyền thông Mỹ đưa tin, lãnh đạo đa số Hạ viện Kevin McCarthy đã từ chối yêu cầu phát biểu của ông Zelensky tại một phiên họp chung của Quốc hội trong chuyến thăm lần này, tương tự điều mà Tổng thống Ukraine đã đối mặt vào tháng 12 năm ngoái.

Và trong khi nhà lãnh đạo Ukraine đang họp với các nhà lập pháp ở cả hai đảng, 28 thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội hôm 21/9 đã ký và công bố một lá thư phản đối các khoản chi tiêu bổ sung cho Ukraine.

"Người dân Mỹ xứng đáng được biết tiền của họ đã đi vào đâu" - lá thư của 28 đảng viên Đảng Cộng hòa viết - "Cuộc phản công đang diễn ra như thế nào? Người Ukraine có tiến gần đến chiến thắng hơn 6 tháng trước không? Chiến lược của chúng ta là gì và kế hoạch rút lui của Tổng thống là gì?"

Phe cực hữu thống trị đảng Cộng hòa đang ngày càng kiên quyết yêu cầu cắt nguồn viện trợ chiến tranh, khi mà tính đến nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 100 tỷ USD cho Kiev, bao gồm 43 tỷ USD cho vũ khí.

Một số thành viên đảng Cộng hòa lập luận rằng số tiền viện trợ có thể được chi tiêu tốt hơn cho an ninh biên giới Mỹ, trong khi cũng có những lo ngại về tốc độ phản công của Kiev và nạn tham nhũng ở Ukraine dấy lên nguy cơ rằng số tiền này sẽ bị lãng phí.

Những nghi ngờ với Kiev còn được thúc đẩy bởi cựu Tổng thống, và rất có thể sẽ là ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2024 Donald Trump. Ông Trump đã phản đối việc cấp thêm tài trợ và thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đầu tuần này, ông Zelensky cũng đã tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York, và kêu gọi thế giới sát cánh cùng Kiev trong cuộc chiến với Moscow. Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, Ba Lan tuyên bố sẽ không trang bị vũ khí cho Ukraine do cuộc tranh cãi ngày càng gia tăng về xuất khẩu ngũ cốc.